Theo báo cáo về số thu thuế của các cá nhân sử dụng thương mại điện tử xuyên biên giới tại Việt Nam vừa được Bộ Tài chính tổ chức ngày 29/7 tại Hà Nội, trong các năm từ 2017 đến 14/7/2022, rất nhiều người có thu nhập "khủng", bị truy thu thuế. Trong đó, nổi bật là 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM.
3 tháng thu 20 triệu USD
Tổng cục Thuế cho biết, từ năm 2018 đến hết ngày 14/7/2022, các tổ chức: Google, Facebook, Microsoft…, đã khai, nộp thuế với tổng số tiền là hơn 5.458 tỷ đồng. Riêng 6 tháng đầu năm 2022, các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh TMĐT tại Việt Nam đã khai thay, nộp thay thuế nhà thầu gần 760 tỷ đồng, bằng 48% so với số thu năm 2021.
Sau hơn 3 tháng triển khai Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài, đã có 26 nhà cung cấp nước ngoài lớn như: Microsoft, Facebook, Netflix Samsung; TikTok; eBay... đã đăng thuế, kê khai thuế và nộp thuế với tổng số thuế khoảng 20 triệu USD. |
Tiêu biểu có một số nhà cung cấp nước ngoài được khai thuế, nộp thuế thay với số thu lớn như: Facebook là 2.076 tỉ đồng; Google là 2.040 tỉ đồng; Microsoft là 699 tỉ đồng.
Tổng cục Thuế đánh giá, từ năm 2018 đến nay, tăng thu bình quân từ hoạt động kinh doanh TMĐT đạt 30%/năm, số thu bình quân đạt khoảng 1.200 tỷ đồng/năm.
Đáng lưu ý, TP.HCM, Hà Nội là địa phương có nhiều cá nhân thu nhập "khủng" từ Google, Facebook, Youtube. Điển hình Cục thuế TP.HCM phát hiện trường hợp của ông L.T.V có thu nhập từ Google với số tiền hơn 720.000 USD (trên 16,5 tỷ đồng), Cục Thuế TP.HCM đã chuyển thông tin đến Cục Thuế tỉnh Quảng Nam để xử lý truy thu thuế (do cá nhân có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Quảng Nam và đã chủ động trực tiếp liên hệ với Cục thuế Quảng Nam để kê khai, nộp thuế).
Trong hai năm 2021 - 2022, theo Cục Thuế TP.HCM, địa bàn có 2 cá nhân bị truy thu thuế trên 8 tỷ đồng/người, hiện đã nộp đủ. Đây là những cá nhân có thu nhập do thực hiện các chương trình quay clip, phim giải trí trên ứng dụng mạng xã hội Youtube, Tik Tok.
Tại Hà Nội, theo Cục Thuế Hà Nội, qua rà soát thành phố có 1.194 cá nhân trên địa bàn hoạt động thương mại điện tử nhận thu nhập từ các tổ chức nước ngoài như Google, Facebook. Tính đến tháng 12/2021, số nộp ngân sách năm 2020 là 134 tỷ đồng, số nộp ngân sách năm 2021 là 129,3 tỷ đồng.
Việt Nam có 139 đơn vị chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT (trong đó có 41 sàn TMĐT bán hàng, 98 sàn TMĐT cung cấp dịch vụ) và 3 công ty đối tác của các nhà cung cấp nước ngoài được thay nhà cung cấp nước ngoài trả tiền cho các tổ chức, cá nhân có quan hệ giao dịch với các nhà cung cấp nước ngoài. Tương ứng với số lượng khách hàng trung bình truy cập các sàn khoảng 3,5 triệu lượt khách/ngày.
Đáng chú ý, sau hơn 3 tháng triển khai Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài, đã có 26 nhà cung cấp nước ngoài lớn như: Microsoft, Facebook, Netflix Samsung; TikTok; eBay... đã đăng thuế, kê khai thuế và nộp thuế với tổng số thuế khoảng 20 triệu USD.
Khó đạt mục tiêu
Theo đánh giá của bà Nguyễn Thị Lan Anh - Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh và cá nhân (Tổng cục Thuế), mặc dù ngành Thuế đang sử dụng nhiều biện pháp để rà soát, truy vết thông tin, quản lý và truy thu thuế, số thu từ hoạt động TMĐT dần tăng cao, tuy nhiên số thu thực sự chưa tương xứng với tốc độ phát triển của lĩnh vực này.
Nguyên nhân được PSG.TS Lê Xuân Trường, Trưởng khoa Thuế và Hải quan, Học viện Tài chính cho rằng, hành lang pháp lý đang còn những hạn chế và bất cập. Ví dụ, quy định về đối tượng chịu thuế GTGT và người nộp thuế TNDN chưa bao quát hết những vấn đề phát sinh trong điều kiện kinh tế số.
Hay như quy định về trách nhiệm kê khai, nộp thuế thay của sàn giao dịch TMĐT theo ủy quyền pháp luật dân sự không khả thi. Thiếu quy định cụ thể về cung cấp thông tin của sàn giao dịch TMĐT…
Theo các chuyên gia, để nâng cao hiệu quả quản lý thuế đối với TMĐT và dịch vụ số xuyên biên giới thì nhất thiết phải áp dụng công nghệ ở một trình độ ngày càng cao trong quản lý thuế. Trong đó, cần xây dựng phần mềm dò tìm tự động để phát hiện các giao dịch đáng ngờ trên internet làm cơ sở yêu cầu người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ thuế hoặc thực hiện thanh tra, kiểm tra, ấn định thuế. Phát triển hệ thống công nghệ thông tin hỗ trợ việc kê khai, tính thuế, nộp thuế điện tử một cách thuận tiện nhất; ứng dụng các công nghệ tích hợp hiện đại (vật lý, sinh học…) để phát hiện dấu hiệu vận chuyển hàng trong mô hình TMĐT thanh toán tiền mặt.
“Về lâu dài, cùng với việc sửa đổi quy định pháp luật về kê khai, nộp thuế, cần phát triển hệ thống tính thuế tự động gắn với không gian và thời gian thực của giao dịch trong nền kinh tế số. Nếu không kiểm soát được giao dịch TMĐT trên cơ sở hành lang pháp lý đầy đủ và công nghệ hiện đại thì các nỗ lực khác sẽ không thể giúp chúng ta đạt được mục tiêu đề ra”, PGS. TS. Lê Xuân Trường nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Việt Anh - chuyên gia quản trị công cao cấp của WB tại Việt Nam cho rằng, đối với thuế GTGT, cần quy định vai trò của các nền tảng số, chợ điện tử trong việc kê khai và nộp thuế của các thương nhân hoạt động trên các nền tảng này. Ngoài ra, cần áp dụng thống nhất thuế suất thuế GTGT đối với các nhà cung cấp nước ngoài.
Đối với thuế trực thu, cần dự phòng phương án nếu không có sự đồng thuận về việc đánh thuế các doanh nghiệp kỹ thuật số, đồng thời rà soát lại các ưu đãi thuế để tránh thất thu thuế từ tác động của thuế suất tối thiểu toàn cầu.
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số dự báo năm 2022, tốc độ tăng trưởng của TMĐT Việt Nam khoảng 17 - 20%, đưa doanh thu TMĐT bán lẻ đạt trên 16 tỷ USD, dự kiến chiếm khoảng 7,5% doanh thu hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng cả nước. Google và Temasek dự báo giai đoạn 2021 - 2025, kinh tế Internet Việt Nam (bao gồm TMĐT, vận tải và thực phẩm, du lịch trực tuyến và nội dung nghe nhìn trực tuyến) đạt tốc độ tăng trưởng trung bình 29%/năm, đạt giá trị 57 tỷ USD, đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á. |
Thanh Hoa