Trong Văn bản số 1633 mới ban hành, UBND TP Hà Nội yêu cầu Cục Thuế thành phố chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định, chính sách mới tới các hộ, cá nhân kinh doanh, bảo đảm người nộp thuế hiểu, đồng thuận và thực hiện theo chính sách mới.
Nhiều cá nhân đóng thuế hàng chục tỷ đồng
Từ ngày 1/7/2020, Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 chính thức có hiệu lực, lần đầu tiên đã có quy định về quản lý thuế đối với các hoạt động thương mại điện tử. Nhờ vậy, trong 2 năm qua, việc thu thuế đối với loại hình này đã dần được quản lý và khởi sắc. Điển hình như tại Cục Thuế TP Hà Nội, số thuế thu từ hoạt động thương mại điện tử trong năm 2021 đạt 14.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 6% tổng thu ngân sách và 10% thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhiều cá nhân tự nguyện đến kê khai và nộp thuế với số tiền lên tới hàng chục tỷ đồng.
Hà Nội yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin giao dịch trên nền tảng số |
Điển hình, một nữ giới, 28 tuổi, có hộ khẩu tại quận Cầu Giấy, là tác giả của nhiều phần mềm được các ứng dụng Google Play và App Store đăng tải, và có tổng thu nhập lên tới 330 tỷ đồng, nộp thuế 23,4 tỷ đồng.
Một cá nhân nộp thuế tiêu biểu khác là nam giới, 30 tuổi, cũng có địa chỉ tại quận Cầu Giấy. Nam thanh niên này cũng sáng tác ra nhiều phần mềm được các ứng dụng trên thế giới sử dụng và có thu nhập 260 tỷ đồng, nộp thuế 18,1 tỷ đồng.
Cục trưởng Cục Thuế TP Hà Nội Mai Sơn cho biết, sau khi Luật Quản lý thuế mới có hiệu lực, Cục Thuế TP Hà Nội đã thường xuyên phối hợp với cơ quan chức năng để quản lý thu thuế qua thương mại điện tử. “Chúng tôi thường xuyên phối hợp với các tổ chức tín dụng, ngân hàng, nhà mạng cung cấp để có cơ sở dữ liệu thông tin về hoạt động kinh doanh, các cá nhân có thu nhập phát sinh. Trên cơ sở đó thì vận động các cá nhân đó tự động kê khai và nộp thuế", ông Sơn nói.
Cơ quan thuế xác định có 5 nhóm hoạt động để quản lý. Cụ thể, nhóm có thu thập từ các tổ chức nước ngoài (Google, Facebook…); kinh doanh bán hàng trực tuyến (online); cho thuê nhà trực tuyến qua ứng dụng; tổ chức, cá nhân chi trả thanh toán cho các dịch vụ điện tử của đơn vị nhà thầu nước ngoài; doanh nghiệp điều hành sàn giao dịch thương mại điện tử (Sendo, Lazada, Shopee...), điều hành các app trung gian thanh toán, app trung gian vận chuyển.
Đẩy mạnh triển khai hóa đơn điện tử
Trên cơ sở đã đạt được, mới đây UBND TP Hà Nội ban hành văn bản yêu cầu Cục Thuế TP Hà Nội tập trung nguồn lực, triển khai hiệu quả các chính sách mới đến từng hộ, cá nhân kinh doanh trên địa bàn. Trong đó, thường xuyên rà soát địa bàn và đối chiếu dữ liệu, thông tin quản lý giữa các đơn vị để thực hiện quản lý đúng đối tượng, đúng quy định. Đồng thời, tiếp tục phối hợp rà soát, nắm bắt, hướng dẫn và đưa vào quản lý thuế đối với các hộ, cá nhân kinh doanh trên nền tảng số Google, Facebook…
Cũng theo văn bản này, UBND TP Hà Nội yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh thành phố chỉ đạo, hướng dẫn các ngân hàng thương mại trên địa bàn cung cấp thông tin với Cục Thuế liên quan đến giao dịch của các tổ chức, cá nhân có hoạt động thương mại điện tử.
UBND TP cũng yêu cầu UBND các quận, huyện chỉ đạo UBND xã, phường phối hợp với cơ quan thuế, rà soát địa bàn để quản lý đối tượng, nâng cao vai trò, trách nhiệm của hội đồng tư vấn thuế, tư vấn cho cơ quan thuế để xác định doanh thu, tiền thuế khoán hàng năm sát thực tế của hộ, cá nhân kinh doanh…
Để đảm bảo hoạt động thu thuế hiệu quả, Cục Thuế Hà Nội cũng được yêu cầu triển khai áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền (thiết bị thanh toán) có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế.
Đồng thời, chủ động đề xuất, báo cáo UBND thành phố xem xét, chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã phối hợp với cơ quan thuế thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý thuế đối với hộ, cá nhân kinh doanh.
Về triển khai hoá đơn điện tử, thời gian qua, Cục Thuế TP Hà Nội đã đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức như trực tiếp, qua tin, bài, video đăng tải trên các phương tiện truyền thông để người nộp thuế nắm được chủ trương thực hiện hóa đơn điện tử của ngành thuế, từ đó hiểu, đồng thuận cùng cơ quan thuế thực hiện chuyển đổi. Cục Thuế cũng hướng dẫn cụ thể hộ, cá nhân kinh doanh thuộc trường hợp được cấp hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế theo từng lần phát sinh về cách gửi đơn đề nghị cấp hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế.
Ông Viên Viết Hùng, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP Hà Nội cho biết, sau khi rà soát, năm 2022, toàn địa bàn thành phố có gần 9.000 hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh đăng ký nộp thuế theo phương pháp kê khai. Đến nay, 100% hộ, cá nhân kinh doanh đã đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử thành công theo quy định.
T.H