Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) vừa có công văn gửi các ngân hàng đề nghị cung cấp thông tin về tài khoản của người nộp thuế nhằm giám sát các hoạt động thu từ kinh doanh online trên nền tảng thương mại xuyên biên giới. Đây là quy định thực hiện theo Nghị định 126/2020 của Chính phủ về hướng dẫn Luật Quản lý thuế, trong đó có kinh doanh online trên các nền tảng xuyên biên giới.
Doanh thu hàng tỷ USD nhưng vẫn "né" thuế?
Lâu nay, quản lý thuế trên mạng là vấn đề rất nóng, được dư luận đặc biệt quan tâm trong thời gian qua. Tại phiên chất vấn của các đại biểu, mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết thời gian qua mới thu được khoảng 5.000 tỉ đồng từ hoạt động thương mại xuyên biên giới. Còn theo Tổng cục Thuế, hiện có 15 tập đoàn, công ty công nghệ lớn trên thế giới hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới có thu nhập tại Việt Nam.
Bộ Tài chính đang có những động thái chấm dứt sự bất công trong đóng thuế khi các tập đoàn thu hàng tỷ USD nhưng đóng thuế nhỏ giọt |
Số thu tiền thuế từ 15 tập đoàn này đạt khoảng 1.000 tỉ đồng/năm nhưng họ không trực tiếp chi trả mà các nhà thầu, đại lý phải nộp thuế, kê khai nộp thuế nhà thầu (thuế nộp thay nhà thầu nước ngoài) thông qua tổ chức chi trả tại Việt Nam.
Ví dụ, từ năm 2018 đến hết tháng 10-2021, các đơn vị này đã khai, nộp thuế với tổng số tiền là hơn 4.263 tỉ đồng. Trong đó, một số tập đoàn lớn như Facebook nộp hơn 1.641 tỉ đồng, Google nộp hơn 1.573 tỉ đồng, Microsoft nộp hơn 560 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, riêng năm 2021, số thuế thu được từ các tổ chức Việt Nam có ký hợp đồng quảng cáo trực tuyến với tổ chức nước ngoài không thành lập pháp nhân tại Việt Nam như Google, YouTube, Facebook... là 1.314 tỉ đồng. Trong đó một số tập đoàn lớn như Facebook là 521 tỉ đồng; Google là 490 tỉ đồng; Microsoft là 164 tỉ đồng.
“Bộ Tài chính rất chủ động trong vấn đề thu thuế, quản lý thuế bán hàng online…”, ông Phớc nói. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, lâu nay số thuế thu được của các ông lớn nước ngoài chưa tương xứng với doanh thu cũng như tiềm năng của thương mại điện tử.
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế - nhận định: “Ngoài các sàn thương mại có thể được quản lý thì đối với hoạt động kinh doanh trên thương mại điện tử trên không gian mạng như Facbook, Zalo... chúng ta có theo dõi nhưng số thuế thu được chưa tương xứng với doanh thu, cũng như tiềm năng của thương mại điện tử và đặc biệt là vấn đề thương mại xuyên biên giới”.
Giải pháp chặn hành vi trốn thuế
Bàn về giải pháp chống thất thu thuế, đại diện Tổng cục Thuế cho biết, cơ quan thuế đã triển khai phương án bắt buộc các ngân hàng thương mại phải công khai thông tin tài khoản, trong đó đặc biệt là tài khoản thanh toán để tạo thuận lợi trong giám sát, quản lý thu tốt hơn.
“Cơ quan thuế phối hợp với các ngân hàng thương mại để kiểm tra các giao dịch phát sinh chuyển tiền từ Việt Nam cho các nhà thầu nước ngoài hoặc ngược lại. Qua đó, các ngân hàng sẽ thông tin để cơ quan thuế yêu cầu họ kê khai. Nếu các nhà cung cấp nước ngoài cố tình không kê khai đúng, ngành thuế sẽ thanh tra, kiểm tra, truy thu thuế, xử phạt theo quy định của pháp luật Việt Nam”, đại diện ngành thuế nhấn mạnh.
Theo đó, 5 ngân hàng thương mại là Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng thương mại cổ phần ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng thương mại cổ phần công thương Việt Nam (Vietinbank), Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) và Ngân hàng Quân đội (MB) đã được thí điểm triển khai cung cấp thông tin tài khoản thanh toán của người nộp thuế cho cơ quan thuế.
Cụ thể, các ngân hàng thương mại phải cung cấp thông tin tài khoản thanh toán của từng người nộp thuế cho cơ quan thuế, bao gồm tên chủ tài khoản, số hiệu tài khoản theo mã số thuế đã được cơ quan quản lý thuế cấp, ngày mở tài khoản, ngày đóng tài khoản.
Sau thời gian thí điểm, Tổng cục Thuế đã tiếp nhận thành công trên 45,4 triệu tài khoản của người nộp thuế do 5 ngân hàng thương mại cung cấp. Với giải pháp mã hóa, lưu trữ thông tin số hiệu tài khoản thanh toán tiếp nhận từ các ngân hàng, các thông tin người nộp thuế đều được bảo đảm an toàn bảo mật.
Ông Lê Anh Dũng, Phó vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, từ kết quả triển khai thí điểm tại 5 ngân hàng, đến thời điểm này có thể khẳng định triển vọng về tính khả thi của công nghệ, việc bảo mật thông tin về dữ liệu, từ đó có thể hoàn thành trách nhiệm được giao của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và Ngân hàng Nhà nước.
Dự kiến trong thời gian tới, Tổng cục Thuế sẽ có công văn triển khai đến các ngân hàng thương mại và chi nhánh ngân hàng nước ngoài còn lại.
“Với kết quả đạt được của 5 ngân hàng tham gia thí điểm giai đoạn đầu, mọi quy trình nghiệp vụ được triển khai thực hiện rõ ràng, kết hợp công tác thanh kiểm tra, cùng tính bảo mật an toàn, không có lý do gì mà các ngân hàng khác không thực hiện. Tuy nhiên, các ngân hàng hiện đang chịu sự điều chỉnh của các luật chuyên ngành, luật tổ chức tín dụng và các nghị định về bảo vệ thông tin khách hàng, vì vậy sau khi việc phối hợp được triển khai ổn định, thì cần tiến tới pháp lý hóa bằng một thông tư được ban hành để các ngân hàng triển khai thống nhất”, ông Dũng nhấn mạnh.
Trước đó, để tạo thuận lợi tối đa cho nhà cung cấp nước ngoài thực hiện tốt nghĩa vụ nộp thuế tại Việt Nam, cuối tháng 3 vừa qua Tổng cục Thuế đã chính thức khai trương cổng thông tin điện tử dành riêng cho các đối tượng này. “Toàn bộ thủ tục về thuế nêu trên được thực hiện hoàn toàn theo phương thức điện tử. Nhà cung cấp nước ngoài ở bất cứ nơi nào trên thế giới đều có thể đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế trực tiếp với cơ quan thuế Việt Nam thông qua cổng thông tin điện tử này”, ông Nguyễn Văn Phụng, Cục trưởng Cục Thuế doanh nghiệp lớn thuộc Tổng cục Thuế, nhấn mạnh.
Thanh Hoa