![]() |
Bộ Tài chính kiến nghị giảm 30% thuế nhiên liệu để hỗ trợ các doanh nghiệp hàng không khôi phục sản xuất, kinh doanh (Ảnh: Internet) |
Bộ Tài chính vừa có tờ trình Chính phủ kiến nghị giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay.
Theo bộ này, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của ngành hàng không. Do Chính phủ thực hiện các biện pháp ngăn chặn đại dịch này như tạm dừng nhập cảnh đối với tất cả người nước ngoài vào Việt Nam, hạn chế vận chuyển hành khách bằng đường hàng không.
Trong thời gian cách ly, để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch, ngành hàng không hạn chế hầu hết các chuyến bay nội địa, chỉ còn duy trì 3 đường bay từ Hà Nội đến TP.HCM và Đà Nẵng...
Đồng thời ngành hàng không đã dừng toàn bộ các đường bay quốc tế thường lệ, chỉ còn thực hiện một số chuyến bay chở hàng và chở khách nước ngoài bị kẹt tại Việt Nam về nước.
Để góp phần giảm chi phí đầu vào của doanh nghiệp hàng không, nhằm kích cầu di chuyển bằng hàng không, Bộ Tài chính đề nghị giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay còn 2.100 đồng/lít, bằng 70% mức hiện hành.
Thời gian áp dụng từ ngày nghị quyết có hiệu lực đến hết ngày 31/12 năm nay. Từ năm 2021 trở đi, mức thuế tiếp tục áp dụng theo quy định cũ như đang áp dụng là 3.000 đồng/ lít.
Bộ Tài chính cho biết, số thu từ thuế bảo vệ môi trường liên tục tăng ổn định từ năm 2012 đến nay. Từ 11.676 tỷ đồng năm 2012 lên 27.020 tỷ đồng vào năm 2015 và đến năm 2019 là 63.079 tỷ đồng.
Tỉ lệ thu từ sắc thuế này so với tổng thu ngân sách nhà nước đã tăng từ 1% (năm 2012) lên hơn 4% (năm 2019). Riêng số thu thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay bình quân giai đoạn 2015-2019 là 2.939 tỉ đồng/năm.
Vì vậy, với đề xuất như nêu trên, Bộ Tài chính đánh giá, ngân sách sẽ giảm số thu thuế bảo vệ môi trường khoảng 72 - 80 tỉ đồng/tháng.
Tuy nhiên, việc giảm thuế bảo vệ môi trường sẽ góp phần giúp doanh nghiệp vận tải hàng không giảm bớt gánh nặng tài chính, duy trì hoạt động kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19 trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp và khó lường, việc hạn chế nhập cảnh được dự báo vẫn phải kéo dài thời gian thực hiện.
Theo đánh giá của Bộ Giao thông vận tải, mức độ thiệt hại của ngành hàng không là rất nghiêm trọng khi doanh thu các hãng hàng không giảm mạnh.
Doanh thu quý I của Vietjet Air giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống chỉ còn 7.222 tỷ đồng. Hãng bay này lỗ 989 tỷ đồng. Còn Vietnam Airlines lỗ hơn 2.600 tỷ đồng - cao hơn lợi nhuận sau thuế của họ cả năm 2019. Pacific Airlines là 1.200 tỷ đồng. Bamboo Airways chưa đưa ra con số dự kiến, tuy nhiên, hãng ghi nhận khoản lỗ 1.500 tỷ đồng vào quý I.
Sang quý II, doanh thu của Vietnam Airlines giảm khoảng 18 nghìn tỷ đồng, giảm 96,1% so với kế hoạch, lợi nhuận giảm gần 6,4 nghìn tỷ đồng so với kế hoạch. Khoản lỗ lớn khiến Vietnam Airlines phải cho 6.000 lao động ngừng việc...
Dù đã triển khai nhiều biện pháp giảm bớt thiệt hại do dịch bệnh gây ra như: đàm phán giãn nợ, khôi phục thị trường nội địa..., nhưng các doanh nghiệp hàng không đối mặt với nguy cơ phá sản cao do không bù đắp được những khoản chi phí lớn để duy trì hoạt động.
Thanh Hoa