Hành khách làm thủ tục check-in tại sân bay (Ảnh: Internet) |
Các hãng hàng không Việt vừa trải qua 3 tháng lao đao vì dịch Covid-19, tính tới đầu tháng 5 các đường bay nội địa mới được khôi phục một phần và còn khoảng 70 - 80% đội tàu bay vẫn đang “nằm đất”. Theo ước tính của Cục Hàng không, dịch Covid-19 có thể khiến các hãng hàng không Việt hụt 30.000 tỷ đồng doanh thu trong năm 2020.
Kết quả kinh doanh 'ngủ đông'
Báo cáo tài chính quý I/2020 của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines - Mã: HVN) ghi nhận mức lỗ kỷ lục 2.611 tỷ đồng, con số này vượt mức lợi nhuận trong cả năm 2019 của doanh nghiệp này (năm 2019 ghi nhận mức lãi 2.537 tỷ đồng).
Trong khi đó, công ty cổ phần hàng không Vietjet (Vietjet Air - Mã:VJC) cũng ghi nhận lợi nhuận "âm" trong quý I/2020. Cụ thể, báo cáo tài chính doanh nghiệp ghi nhận lỗ ròng gần 1.000 tỷ đồng. Doanh thu vận tải hàng không chỉ đạt 7.222 tỷ đồng, giảm 30% so với cùng kỳ. Đây là lần đầu tiên Vietjet Air ghi nhận lợi nhuận quý âm kể từ khi niêm yết đầu năm 2017.
Tuy nhiên, đánh giá sự ảnh hưởng của dịch bệnh đến ngành hàng không là rất lớn, nên ngay từ đầu Vietjet Air chủ động trước các kế hoạch ứng phó như: mở rộng hoạt động vận chuyển hàng hóa, bổ sung các sản phẩm dịch vụ mới, tăng khuyến mãi kích cầu. Đồng thời, Vietjet cũng đã đàm phán thành công với các đối tác cho vay về việc giãn khoản phải trả từ 3 - 12 tháng, cắt giảm và tối ưu chi phí hoạt động từ 35 - 40% so với cùng kỳ.
Cùng chung số phận, FLC Group - công ty mẹ chiếm 52,11% của Bamboo Airways báo lỗ sau thuế 1.172 tỉ đồng. Tuy nhiên, trong báo cáo tài chính FLC không công bố con số cụ thể của mảng hàng không cũng như các mảng khác, nhưng theo dự đoán của giới đầu tư, Bamboo Airways cũng không thể tránh khỏi "tổn thất" do Covid-19.
Jetstar Pacific Airlines cũng rơi vào tình cảnh thua lỗ nặng nề vì dịch Covid-19. Theo số liệu từ Cục hàng không, hãng này hầu như ở trạng thái ngủ đông trong giai đoạn 19/3-18/4 khi số chuyến bay giảm tới 97,2% so với cùng kỳ. Trong 30 ngày, hãng chỉ thực hiện 79 chuyến bay, tương đương hơn 2 chuyến bay mỗi ngày, mức thấp chưa từng có trong lịch sử khai thác của Jetstar Pacific.
Vẫn chưa thấy... 'bầu trời'
Khách nội địa và khách quốc tế giảm mạnh, các chuyến bay dừng hoạt động đã ảnh hưởng lớn đến doanh thu của các đơn vị cung cấp dịch vụ phụ trợ hàng không.
Quý I/2020, Công ty cổ phần Dịch vụ hàng không Tân Sơn Nhất (Sasco) của nhà Johnathan Hạnh Nguyễn kinh doanh chuỗi bán hàng miễn thuế, hoạt động phòng chờ... đóng cửa từ khi dịch bùng phát. Điều này kéo theo doanh thu sụt giảm 28% so với cùng kỳ, đạt hơn 520 tỷ đồng. Trong kỳ, lãi ròng của Sasco vỏn vẹn 16 tỷ đồng.
Tương tự, doanh thu của Công ty cổ phần Dịch vụ Hàng không Taseco (Taseco Airs) chuyên cung cấp dịch vụ hàng không, suất ăn tại các sân bay lớn như Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Phú Quốc... cũng giảm hơn 21%, xuống còn 196,3 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của Taseco Airs khoảng 16 tỷ đồng, giảm gần 70% so với quý I năm ngoái.
Kết quả kinh doanh quý I/2020 phần nào cho thấy sức "công phá" của đại dịch Covid-19 đối với các doanh nghiệp ngành hàng không. Dự báo, dù hiện nay dịch bệnh Covid-19 trong nước đang được kiểm soát, song tổn thất của ngành hàng không vẫn chưa dừng lại ở quý I mà còn kéo dài sang quý II. Bởi toàn bộ các chuyến bay quốc tế vẫn đang dừng hoạt động do dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp ở các nước trên thế giới. Trong khi đó, các chuyến bay nội địa đang hoạt động cầm chừng.
Trong một báo cáo mới đây của Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) cho rằng hàng không cần 6-7 tháng để phục hồi sản lượng hành khách. "Với Covid-19 lần này, thời gian phục hồi sẽ lâu hơn so với vụ khủng bố 11/9 hồi năm 2001 do dịch bệnh diễn biến khó lường, cùng với đó thế giới đang đứng trước nguy cơ suy thoái, tác động xấu tới tâm lý tiêu dùng", báo cáo dự báo.
Huyền Anh