Theo Bộ Công Thương, giá xăng dầu thế giới tăng chủ yếu do nguồn cung xăng dầu khan hiếm. Bên cạnh đó, lạm phát tăng cao tại một nước lớn như Mỹ và một số nước châu Âu cũng tác động làm giá xăng dầu thế giới tăng. Việc giá xăng dầu thành phẩm thế giới tăng cao đã tác động trực tiếp làm tăng giá xăng dầu trong nước.
Giá xăng “vượt đỉnh”
Bộ Tài chính cho biết, hiện nay, giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu trong nước so với mức giá kỳ điều hành ngày 11/1/2022 tăng khoảng từ 25,89% - 42,40%, thấp hơn so với tốc độ tăng của giá xăng dầu thành phẩm thế giới khoảng từ 42,90% - 56,97% tính đến kỳ điều hành ngày 21/5/2022.
Với diễn biến khó đoán như hiện nay, để “chặn” đà tăng của giá xăng dầu cần sớm giảm thuế, phí |
Các chuyên gia cho rằng, sòng phẳng ra, giá xăng dầu phải theo thị trường, "nước lên thuyền lên". Nhưng xăng dầu được xem là “máu” để lưu thông nền kinh tế, có tác động đến mọi ngóc ngách cuộc sống. Hơn nữa, đặt trong bối cảnh cực kỳ nhạy cảm khi lạm phát đang chực chờ “leo thang”, việc kìm xăng dầu tăng giá phải được xem là hành động cấp bách của cơ quan quản lý.
Thực tế, khi giá xăng dầu tăng mạnh, Malaysia trợ giá để có giá 13.000 đồng/lít xăng (nếu không được Chính phủ trợ giá, giá xăng dầu của Malaysia sẽ tương đương giá xăng dầu tại Việt Nam), hay Đức miễn thuế nhiên liệu trong 3 tháng. Tại Việt Nam, nhà điều hành cũng có động thái giảm được 2.000 đồng/lít thuế bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, do mỗi lít xăng vẫn cõng trên 30-32% thuế phí, nên mức giảm này không có nhiều tác động trong bối cảnh giá xăng đẩy lên trên 31.000 đồng/lít.
Nhiều chuyên gia, cử tri và đại biểu Quốc hội đề nghị phải chủ động giảm thuế để kìm giá xăng dầu, nhưng lãnh đạo Bộ Tài chính và Bộ Công Thương trả lời "sẽ cân nhắc", "tiếp tục rà soát, đề xuất".
Như ý kiến của đại biểu Quốc hội Bùi Mạnh Khoa (Thanh Hóa), để bảo đảm linh hoạt trong việc kiềm chế giá xăng dầu tăng cao, ảnh hưởng đến thu nhập và chi tiêu của người dân, kiềm chế lạm phát, đề nghị ngay tại kỳ họp này (Kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XV - PV), Quốc hội giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định, điều chỉnh thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng trong năm 2022.
“Việc điều chỉnh giảm thuế có thể ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách nhà nước nhưng với giá dầu thô tăng cao, Việt Nam lại xuất khẩu dầu thô, chúng ta có thể bù đắp thu ngân sách nhà nước từ nguồn này”, đại biểu Khoa nói.
Bên cạnh đó, các chuyên gia kinh tế cho rằng, với diễn biến giá khó đoán như hiện nay, để “chặn” đà tăng của giá xăng dầu, nhà điều hành cần tính toán vận hành Quỹ Bình ổn giá (BOG) xăng dầu cho phù hợp, để chương trình phục hồi và phát triển kinh tế được hiệu quả, đồng thời góp phần hỗ trợ người tiêu dùng và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.
Kiến nghị giảm thuế cần sớm có phản hồi
Trong thời gian qua, thị trường thế giới diễn biến phức tạp, đặc biệt do xung đột Nga - Ukraine đã tác động đến nguồn cung và giá bán xăng dầu trên thị trường thế giới. Để giảm tác động của giá thế giới tăng đến giá xăng dầu trong nước, Quỹ BOG đã được điều hành linh hoạt (giảm mức trích, tăng mức chi sử dụng), góp phần bình ổn giá xăng dầu, qua đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.
Tại thông cáo báo chí mới đây, Bộ Tài chính cũng nêu rõ, trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới tiếp tục biến động phức tạp như hiện nay, việc tiếp tục tính toán, cân đối sử dụng Quỹ BOG xăng dầu để góp phần bình ổn giá xăng dầu, qua đó hỗ trợ người tiêu dùng và sản xuất kinh doanh là giải pháp cần thiết.
Đồng thời, Bộ Tài chính đang xin ý kiến các bộ, ngành sửa đổi Nghị định về biểu thuế xuất nhập khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, trong đó điều chỉnh thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi với xăng từ 20% xuống 12%. Việc này sẽ đa dạng hoá nguồn cung xăng dầu.
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải đề cập 3 biện pháp để kiềm chế đà tăng của giá xăng dầu trong thời gian tới: dùng Quỹ BOG xăng dầu linh hoạt; cân nhắc giảm thuế và có thêm các biện pháp an sinh, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
Trước đề nghị giảm thêm thuế để kìm đà tăng giá xăng dầu, Thứ trưởng Công Thương cho hay, tới đây Bộ này sẽ cùng Bộ Tài chính rà soát, đề xuất để giảm tiếp một số loại thuế.
Tuy nhiên, về việc có dư địa giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng với xăng dầu hay không, theo ông Đỗ Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính, hiện không có quy định về miễn, giảm các loại thuế này với mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Xăng đang là mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt với thuế suất 10%; còn mặt hàng dầu không chịu loại thuế này.
Nhiều ý kiến cho rằng, khi còn có thể ngăn cản được lạm phát bùng phát thì cơ quan quản lý nên hành động ngay, đừng để khi sóng đã dậy lên thì không cách nào cản được. Lúc đó có giảm thuế, e rằng hơi muộn. Vì vậy, những kiến nghị giảm thuế cần được sớm phản hồi cụ thể, không thể chung chung là "cân nhắc, rà soát, đề xuất".
Thanh Hoa