Bộ Tài chính cho biết, các sắc thuế đánh vào xăng dầu có: Thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu.
Theo ông Tuấn, trung bình tỷ trọng thuế trong giá xăng dầu ở nhiều quốc gia (trừ nước có trữ lượng dầu mỏ lớn) là 40-60%. Với Việt Nam, tỷ trọng thuế trong giá xăng là 29-31%; dầu diesel là hơn 13%. Không có phí, lệ phí thu trên xăng dầu, tức là tỷ trọng thuế trong xăng dầu Việt Nam ở mức trung bình thấp so với thế giới.
Thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng ở Việt Nam hiện vào loại thấp so với thế giới. |
“Trong bối cảnh giá xăng dầu tăng cao do các nước phục hồi sau Covid-19, xung đột quân sự tại Ukraine, Chính phủ, bộ ngành lo lắng giá xăng dầu ảnh hưởng CPI, thách thức lớn trong điều hành, kiềm chế lạm phát”, ông Tuấn nói về thực tế giá xăng dầu thế giới tăng cao.
Trước bối cảnh đó, Bộ Tài chính đã xin ý kiến các bộ, ngành sửa đổi Nghị định về biểu thuế xuất nhập khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, trong đó điều chỉnh thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi với xăng từ 20% xuống 12%. Qua đó, sẽ giúp đa dạng hóa nguồn cung xăng dầu.
Sau 5 lần điều chỉnh tăng liên tiếp, hiện giá xăng E5 RON 92 tối đa là 30.230 đồng/lít; RON 95 là 31.570 đồng/lít; dầu diesel là 26.390 đồng/lít, dầu hỏa là 25.340 đồng/kg, dầu mazut là 20.900 đồng/kg. Tính từ đầu năm 2022 đến ngày 1/6, giá xăng dầu trong nước có 14 kỳ điều hành, trong đó mặt hàng xăng có 11 kỳ tăng giá, 3 kỳ giảm giá.
Với câu hỏi có dư địa giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT với xăng dầu hay không, ông Tuấn cho biết không có quy định về miễn giảm thuế với hàng hoá chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Mặt khác, thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng ở Việt Nam hiện vào loại thấp so với thế giới.
Tại họp báo, cũng trả lời về giá xăng dầu, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải thừa nhận thời gian qua, giá xăng trong nước tăng liên tục và ở mức cao, Bộ Công Thương rất chia sẻ với khó khăn của người dân, doanh nghiệp sử dụng mặt hàng này làm đầu vào sản xuất, kinh doanh.
Trong công tác điều hành giá xăng dầu, theo ông Đỗ Thắng Hải, Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính để thực hiện nhất quán, đúng quy định trong điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến xăng dầu thế giới, đồng thời mang lại thuận lợi nhất trong điều kiện có thể cho người dân, doanh nghiệp.
Ông Hải cho rằng có 3 giải pháp trong thời gian tới để kìm mức tăng giá xăng dầu.
Thứ nhất, sử dụng công cụ quỹ bình ổn một cách hiệu quả và linh hoạt để hạn chế mức biến động mạnh của giá trong nước, gây sức ép lớn với CPI.
Thứ trưởng Bộ Công Thương dẫn chứng: Giá bình quân thành phẩm xăng dầu thế giới tại Singapore từ đầu năm đến ngày 1/6 tăng 45,86-63,68%, tuy nhiên nhờ sử dụng linh hoạt quỹ bình ổn giá nên giá trong nước chỉ tăng 27,29-47,89%.
Biện pháp thứ hai là sử dụng điều chỉnh thuế phí trong cơ cấu giá xăng dầu. Vừa qua, Bộ Công Thương đã kiến nghị và Bộ Tài chính đã báo cáo, được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý giảm 50% thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu từ 1/4 - 31/12. Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ phối hợp đề xuất rà soát trong phạm vi cho phép giảm thuế liên quan đến cơ cấu giá xăng dầu.
Biện pháp thứ ba, theo ông Hải, để giảm mức tăng không chỉ liên Bộ Công Thương - Tài chính mà còn có trách nhiệm của Chính phủ, các bộ ngành khác hướng tới đề xuất giải pháp an sinh, hỗ trợ người dân, người nghèo, hộ chính sách, hỗ trợ doanh nghiệp...
Ông Hải khẳng định, tại Việt Nam, giá xăng dầu vẫn ở mức thấp hơn so với các nước có chung biên giới như Lào, Campuchia, Trung Quốc.
Thanh Hoa