Đã có 4/44 bộ, cơ quan trung ương và 30/63 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân đạt trên mức bình quân chung của cả nước. Tuy nhiên, vẫn còn 23 bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân là 0%.
Tại Hà Nội, năm 2024, dự kiến nhiều dự án đầu tư công quan trọng trên địa bàn thành phố sẽ về đích, trong đó có dự án xây dựng Bệnh viện Nhi Hà Nội-giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư gần 785 tỷ đồng, xây dựng trên khu đất có tổng diện tích 67.900 m2 tại phường Yên Nghĩa, quận Hà Ðông. Đến hết quý I/2024 đã giải ngân được 73,2% kế hoạch vốn.
Trong tháng 5/2024, dự kiến dự án Cung Thiếu nhi Hà Nội cũng sẽ hoàn thành và đưa vào bàn giao sử dụng.
Không chỉ tại các địa phương, đảm bảo tiến độ cả công tác thi công và giải ngân cũng là nhiệm vụ quan trọng đang được đặt ra tại các dự án trọng điểm quốc gia. Như trong ngành hàng không, các dự án trọng điểm như sân bay Long Thành, nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất, chủ đầu tư cho biết tiến độ thi công nhiều hạng mục chính đang được bám sát.
Nhiều hạng mục tại nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất đang vượt tiến độ từ 20-25 ngày. |
Điển hình, tại dự án nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất có gần 2.000 kỹ sư, công nhân và hàng trăm máy móc thiết bị đã được huy động, nhiều hạng mục đang vượt tiến độ từ 20-25 ngày. Cho đến thời điểm này, 6 khu vực đã được cất nóc và theo tiến độ thì đến ngày 30/4 tới, 4 khu vực còn lại cũng sẽ được cất nóc để thi công tiếp phần mái.
Ông Vũ Văn Long, Phó Giám đốc Ban điều hành Gói thầu số 12, nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất chia sẻ: "Tất cả các mốc thời gian đặt ra đối với công tác kiểm tra khối lượng và nghiệm thu đều đáp ứng được tiến độ và giải ngân gần như đảm bảo tiến độ theo thời gian cho nhà thầu, đảm bảo đủ nguồn vốn để huy động được vật tư nhân lực đảm bảo thi công".
Với các dự án trọng điểm, đại diện Bộ Tài chính cho biết đã chỉ đạo hệ thống kho bạc ưu tiên tập trung giải ngân vốn, đẩy mạnh thanh toán qua dịch vụ công trực tuyến. Bên cạnh đó, cũng sẽ có chế tài đối với các dự án chậm giải ngân.
Ông Dương Bá Đức, Vụ trưởng Vụ Đầu tư, Bộ Tài chính nhận định: "Trên cơ sở kết quả giải ngân của từng địa phương, từng dự án, chúng tôi sẽ công khai từng bộ ngành địa phương các dự án không thể giải ngân được và trong đó sẽ yêu cầu có sự điều chỉnh".
Đầu tư công là động lực quan trọng, thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh tổng cầu thế giới và trong nước phục hồi chậm. Năm nay, cả nước dành 657 nghìn tỷ đồng cho đầu tư công, nếu giải ngân hết nguồn vốn này, GDP sẽ tăng thêm 0,3 điểm phần trăm, chưa kể tới vai trò là lượng vốn mồi kích thích cho các nguồn lực tư nhân khác.
Tuy nhiên, lượng vốn không hề nhỏ này cũng đòi hỏi các Bộ, ngành, địa phương cần linh hoạt, sáng tạo trong cách làm để đạt mục tiêu giải ngân 95% mà Thủ tướng Chính phủ giao.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mới đây đã ký ban hành Công điện số 24/CĐ-TTg đẩy nhanh tiến độ phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2024. Công điện yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương khẩn trương phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024 theo đúng quy định, không để tiếp tục chậm trễ; việc phân bổ chi tiết kế hoạch vốn phải bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, phù hợp với khả năng thực hiện, giải ngân và đúng các quy định pháp luật về đầu tư công…
Thanh Hoa