Giải ngân và phân bổ, sử dụng vốn đầu tư công hiệu quả là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội đặt ra tại phiên thảo luận sáng ngày 2/11.
Theo Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng năm 2023 tuy khá hơn cùng kỳ năm trước, song vẫn chậm hơn nhiều so với kế hoạch khi mới chỉ đạt hơn 51,38%; số vốn giải ngân của chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là hơn 49.470 tỷ đồng, đạt 38,4% kế hoạch.
Quan tâm đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đại biểu Triệu Quang Huy (Đoàn Lạng Sơn), nhận xét tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng năm 2023 có cải thiện so với các năm trước nhưng chưa đạt như yêu cầu; cần tiếp tục chấn chỉnh, có giải pháp tháo gỡ các vướng mắc trong công tác giải ngân vốn đầu tư công như trong báo cáo của Chính phủ đã nêu.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình, làm rõ ý kiến của đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận sáng ngày 2/11. |
Đại biểu cho biết có nhiều nguyên nhân dẫn đến những vướng mắc thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, trong đó công tác chuẩn bị đầu tư, giao kế hoạch đầu tư hàng năm còn chậm và thiếu chủ động, công tác chuẩn bị đầu tư vẫn còn là khâu yếu, dẫn tới tình trạng vốn chờ dự án, hoàn thiện thủ tục đầu tư kéo dài, ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công...
Về thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án ODA chuyển tiếp, một số nội dung chưa được quy định chi tiết tại Luật Đầu tư công và các văn bản quy định hiện hành, gây khó khăn cho địa phương trong quá trình rà soát thực hiện các thủ tục đầu tư đối với dự án ODA.
Cũng về vấn đề này, đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn Vĩnh Phúc) nêu vẫn còn tình trạng nhiều dự án do lập, thẩm định, phê duyệt còn kéo dài, chưa sát với thực tiễn nên còn điều chỉnh nhiều lần. Tiến độ thi công nhiều dự án chưa đảm bảo, một số dự án, chương trình giải ngân đạt tỷ lệ còn thấp, dưới 50%.
Để tăng hiệu quả đầu tư công, kích hoạt nhanh và hiệu quả đầu tư tư góp phần bảo đảm tăng trưởng, đại biểu Lê Hữu Trí (Đoàn Khánh Hòa) đề nghị cần tổng kết, đánh giá, phân tích, xác định rõ nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế không những diễn ra trong năm 2023 mà kéo dài từ nhiều năm trước để có giải pháp có hiệu quả hơn, nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân và triển khai các dự án đầu tư vốn là động lực dẫn dắt, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Đồng thời, ông cho rằng vấn đề quan trọng là việc đầu tư phải đúng mục tiêu, từng công trình dự án phải phát huy hiệu quả và bảo đảm chất lượng, tránh tình trạng áp lực giải ngân bằng mọi giá. Điều này càng có ý nghĩa khi mà nguồn lực của đất nước có hạn trong khi nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế kỹ thuật xã hội là rất lớn để đất nước phát triển theo kịp với các nước trong khu vực.
Bên cạnh đó cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ nhằm bảo đảm công tác đầu tư công đúng mục đích, đạt hiệu quả, ngăn chặn tình trạng lợi dụng đầu tư công để trục lợi, tham nhũng và gây lãng phí nguồn lực của đất nước.
Trong khi đó, đại biểu Đinh Ngọc Minh (Đoàn Cà Mau) đề nghị tăng bội chi để thực hiện các dự án đầu tư công có tác động lớn ngay đến nền kinh tế như: sớm đầu tư dự án đường sắt Lào Cai, cảng Hải Phòng, cảng Cái Mép - Thị Vải. Đây là những dự án đã có kế hoạch đầu tư cần được đẩy nhanh đầu tư sớm hơn, tiền đề cho xây dựng ngành công nghiệp đường sắt quốc gia.
Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cho rằng với kế hoạch đầu tư công năm 2024 có tổng vốn đầu tư rất lớn, nhưng dự kiến kế hoạch đáp ứng nhu cầu vốn chỉ đạt khoảng 88%, do đó cần cân nhắc đảm bảo vốn đầu tư công năm 2024 tăng hoặc bằng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 nhằm tăng vốn đầu tư công, hỗ trợ cho sự phục hồi và phát triển kinh tế trong giai đoạn hiện nay.
Giải trình, làm rõ ý kiến của đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận, đề cập về vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết đến nay mới giải ngân đạt được 57% theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Tại sao giải ngân thấp như vậy trong khi nền kinh tế đã đáp ứng vốn? Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhận định, nếu không sửa Luật thì sẽ vẫn tiếp tục vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công, do đó đề nghị cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật về vấn đề này.
Thanh Hoa