Báo cáo kinh tế xã hội 10 tháng đầu năm chỉ ra tỷ lệ giải ngân đạt trên 55% (cùng kỳ năm trước đạt 51%), giá trị tuyệt đối cũng tăng hơn so với cùng kỳ khoảng 100.000 tỷ đồng. Tuy vậy, hiện còn nhiều bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp hơn mức trung bình của cả nước.
Mới đây, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, giải ngân 11 tháng của cả nước khoảng 461.000 tỷ đồng, đạt 65,1%, cao hơn cùng kỳ (58,33%) và số tuyệt đối cao hơn gần 123.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đáng chú ý, có 41 bộ, cơ quan trung ương và 24 địa phương có tỷ lệ giải ngân 10 tháng đầu năm 2023 dưới mức trung bình của cả nước, chỉ đạt 102.300 tỷ đồng, đạt 36,1% kế hoạch. Ước giải ngân 11 tháng năm 2023 của các đơn vị này là khoảng 125.000 tỷ đồng, đạt 44,12% kế hoạch.
Nhiều dự án hạ tầng giao thông quan trọng đang tăng tốc về đích. |
Thực tế, hiện nay, nhiều dự án chỉ mới triển khai được rất ít, điển hình như Dự án đường hành lang kinh tế phía Đông của tỉnh Gia Lai, sau hơn 10 tháng khởi công, dự án vẫn chưa có mặt bằng thi công. Cách duy nhất của các nhà thầu là tập trung vào phần cầu, nhưng khối lượng cũng không đáng kể.
Ông Trần Huy Dùng, Giám đốc Ban quản lý Dự án cho biết: "Nghị quyết 73 cho phép ủy quyền cho cấp huyện về thu hồi đất nhưng theo nghị quyết này lại vướng vào Nghị định 44. Hiện nay vẫn chưa sửa nên chưa làm được".
Tương tự, theo kế hoạch, Dự án trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai sẽ hoàn thành vào cuối năm nay. Tuy nhiên, đến thời điểm này, khối lượng thi công mới chỉ đạt khoảng 40% kế hoạch.
Ông Lâm Hoàng Nguyên, Giám đốc Ban quản lý Dự án chia sẻ: "Nguyên nhân chính là do giao vốn chậm cùng với thời tiết mưa nhiều nên không kịp tiến độ".
Với số vốn chưa giải ngân kế hoạch năm 2023 còn khá lớn là 247.000 tỷ đồng, trong khi thời gian từ nay đến cuối năm chỉ còn 1 tháng, nhiều ý kiến cho rằng cần có sự quyết tâm rất cao, sự vào cuộc quyết liệt, triển khai một cách đồng bộ, xuyên suốt của các cấp ngành để đạt mục tiêu giải ngân đầu tư công đạt trên 95% mà Quốc hội giao.
Theo các chuyên gia, khối lượng giải ngân vốn đầu tư công luôn được đẩy mạnh nhất trong những tháng cuối năm. Chính vì thế, nếu có sự chuẩn bị tốt và những giải pháp hợp lý, mục tiêu hoàn thành ít nhất 95% vốn đầu tư công của năm 2023 vẫn khả thi.
Ông Nguyễn Hữu Quế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết: "Chúng tôi đã lập 4 tổ công tác do 4 đồng chí lãnh đạo tỉnh để kiểm tra giám sát tại hiện trường, đồng thời xử lý nghiêm các ban quản lý dự án chậm tiến độ".
Thời gian không còn nhiều nhưng số lượng vốn cần giải ngân theo kế hoạch còn rất lớn. Đây là áp lực không nhỏ cho cả năm nay và năm sau, bởi theo dự kiến nguồn vốn đầu tư công năm 2024 sẽ khoảng 770.000 tỷ đồng, cao hơn năm nay.
Tại Hội nghị Thường trực Chính phủ với các bộ, cơ quan, địa phương đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 tổ chức mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ ngành, địa phương đạt tỷ lệ giải ngân thấp cần báo cáo, làm rõ nguyên nhân. Trong điều kiện chỉ còn một tháng nữa là kết thúc niên độ ngân sách năm 2023, khối lượng giải ngân còn lớn với 247.000 tỷ đồng, Thủ tướng yêu cầu tập trung tháo gỡ khó khăn về thể chế, cơ chế, chính sách, trên nguyên tắc cấp nào ban hành, cấp đó phải tháo gỡ, tăng phân cấp phân quyền, đề cao kỷ luật kỷ cương, xử lý nghiêm vi phạm... Thủ tướng giao các bộ ngành tháo gỡ vướng mắc thủ tục, cơ chế chính sách, theo sát tiến độ giải ngân để có giải pháp điều hành linh hoạt. Đề xuất điều chuyển vốn những nơi, dự án giải ngân chậm sang những dự án, những nơi giải ngân hiệu quả. Xây dựng kế hoạch vốn tránh để tình trạng "đầu năm thong thả, cuối năm vất vả", đảm bảo nguồn cung vật liệu, giá vật liệu... |
Thanh Hoa