Cuối năm ngoái, Quốc hội đã ban hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017, có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2018, thay thế Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước 2008. Tuy nhiên, đến nay, vẫn còn thiếu quy phạm pháp luật quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho BT.
Luật có hiệu lực 9 tháng vẫn phải chờ
Chiều 5/10, Bộ Tài chính đã tổ chức buổi họp báo chuyên đề “Về việc xử lý khoảng trống pháp lý trong việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT”.
![]() |
Vẫn còn những khoảng trống pháp lý trong việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT |
Thông tin tại buổi họp báo, ông Nguyễn Tân Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) thừa nhận, về nguyên tắc khi Luật có hiệu lực, các văn bản hướng dẫn chi tiết phải có.
Tuy nhiên, quá trình xây dựng dự thảo nghị định này rất khó vì liên quan nhiều pháp luật khác nhau: đầu tư, tài sản công, đất đai, đặc biệt là xác định giá trị quyền sử dụng đất...
Ông Thịnh cho biết, ngay khi Luật có hiệu lực, Bộ Tài chính đánh giá sẽ có những khoản trống pháp lý nên ngay trong tháng 1/2018 đã có văn bản báo cáo Chính phủ xin ý kiến chuyển tiếp một số nội dung.
Trong đó có văn bản hướng dẫn, lưu ý các địa phương thực hiện sử dụng tài sản công thanh toán cho các nhà đầu tư theo đúng yêu cầu pháp luật, vì khi đó chưa có quy định ai sẽ là người chịu trách nhiệm ký duyệt thanh toán tài sản công cho các nhà đầu tư dự án BT.
“Nếu thanh toán rồi, không phù hợp quy định pháp luật, thì việc xử lý các vấn đề liên quan rất khó khăn”, ông Thịnh nói.
Để lấp khoảng trống pháp lý này, ngày 28/3/2018, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi các Bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương yêu cầu tạm dừng việc xem xét, quyết định sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư kể từ ngày 1/1/2018 cho đến khi Nghị định của Chính phủ quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT có hiệu lực thi hành.
Điều này đã gây khó khăn cho các nhà đầu tư BT khi đã thực hiện hợp đồng nhưng không được thanh toán để chờ các quy định hướng dẫn.
Giải thích về nguyên nhân chậm xây dựng Dự thảo và ban hành Nghị định hướng dẫn, ông Nguyễn Tân Thịnh cho hay, về danh mục các văn bản quy định chi tiết về sử dụng tài sản công, Chính phủ đã ký ban hành 16 nghị định và quyết định của Thủ tướng. Chính phủ rất thận trọng trong việc hoàn thiện trước khi ban hành.
Gỡ nghẽn…
Hiện nay, Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo nghị định gồm 5 nội dung, đó là: phạm vi xử lý chuyển tiếp như thế nào với các dự án đã ký hợp đồng; Thẩm quyền quyết định dự án đó; Trình tự thủ tục thực hiện thanh toán như thế nào; Xử lý số tiền chênh lệch giữa quyết toàn công trình và dự án BT; Hạch toán ngân sách nhà nước với số tiền thanh toán.
Bộ Tài chính cho biết, các nguyên tắc, giải pháp đưa ra phải đúng theo Nghị quyết Chính phủ đã ban hành, không làm ảnh hưởng các dự án đang triển khai thực hiện. Đặc biệt, các dự án đã ký kết hợp đồng BT, mục tiêu tháo gỡ khó khăn cho các bộ ngành, địa phương, nhà đầu tư trong thời gian Chính phủ chưa ban hành quy định chi tiết.
Về phạm vi áp dụng, điều chỉnh dự án đã ký kết hợp đồng BT trước 1/1/2018 phù hợp với quy định của pháp luật, sẽ được tiếp tục thực hiện sử dụng tài sản thanh toán theo quy định pháp luật áp dụng cho từng thời kỳ.
“Việc xác định giá trị tài sản thanh toán cho các nhà đầu tư, giá trị tài sản công theo giá thị trường tránh thất thoát tiền và tài sản của Nhà nước. Trong đó, đối với đất chỉ áp dụng hình thức cho thuê đất trả tiền một lần, không phải cho thuê đất trả tiền hàng năm như trước đây”, ông Thịnh cho hay.
Về thanh toán tài sản công cho các nhà đầu tư phải thực hiện theo nguyên tắc ngang giá, theo pháp luật đầu tư xây dựng liên quan, giá trị tài sản thanh toán áp dụng theo giá thị trường, áp dụng phương pháp xác định giá trị quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai.
Đưa ra giải pháp xử lý khoảng trống pháp lý về tài sản, ông Thịnh cho biết, việc xử lý phải theo quy định Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. “Bộ Tài chính đề nghị thanh toán quỹ đất cho nhà đầu tư gồm quỹ của các cơ quan, đơn vị thường là các trụ sở cũ, quỹ đất hoàn thành giải phóng mặt bằng, quỹ đất theo kế hoạch quản lý sử dụng đất chưa hoàn thành việc giải phóng mặt bằng”, ông Thịnh nói.
Thanh Hoa