Hiện nay, đang có thông tin công ty CP đầu tư địa ốc Đại Quang Minh xây dựng 4 tuyến đường chính Thủ Thiêm (quận 2, Tp.HCM) có tổng chiều dài gần 12km với chi phí hơn 12.000 tỷ đồng theo hình thức BT và đổi lấy gần 79ha đất tại KĐT mới Thủ Thiêm.
Dở dang vì đâu?
Một số chuyên gia trong lĩnh vực giao thông phải thốt lên: “Tính ra chi phí đầu tư 1.000 tỷ đồng/km đường tại KĐT Thủ Thiêm là con số cao khủng khiếp, là “dát vàng”, chưa có dự án giao thông nào cao đến vậy”.
Các chuyên gia còn cho rằng suất đầu tư này gấp vài lần làm đường cao tốc. Đơn cử như suất đầu tư cao tốc Bắc Nam (6 làn xe), nếu tính cả chi phí giải phóng mặt bằng cũng chỉ là 180 tỷ đồng/km.
Ngày 9/5, trả lời Thời báo Kinh Doanh về vấn đề nêu trên, ông Nguyễn Hoàng Tuệ - Phó Tổng Giám đốc công ty Đại Quang Minh, cho biết chi phí đầu tư thực tế của 4 tuyến đường “xương sống” trong KĐT Thủ Thiêm, mà dư luận đang xôn xao, chỉ hơn 8.000 tỷ đồng.
Chi phí này dựa trên cơ sở địa hình địa chất của khu vực, được các cơ quan chức năng thẩm định và áp vào định mức đơn giá do Nhà nước ban hành để tính tổng mức đầu tư. Và, không phải toàn bộ số tiền đó là làm đường với 12km, mà còn gồm cả 10 cây cầu được thiết kế hiện đại (trong đó có cầu Thủ Thiêm 2 bắc qua sông Sài Gòn).
Đến nay, Đại Quang Minh đã giải ngân khoảng 6.000 tỷ đồng cho các đơn vị thi công. Thực tế, DN này không được tính và nhận số tiền 3.900 tỷ đồng là các khoản chi phí trượt giá và chi phí lãi vay trong tổng mức 12.182 tỷ đồng. Đồng thời, công ty đã nộp cho ngân sách UBND Tp.HCM số tiền 2.400 tỷ đồng trong năm 2013.
Đi khảo sát thực địa tại công trình thi công 4 tuyến đường này (cộng với cầu Thủ Thiêm 2) theo hình thức BT mới thấy rằng vẫn còn đang ngổn ngang, mà một trong những nguyên nhân chính là do vướng giải phóng mặt bằng (thuộc trách nhiệm của Nhà nước) nên phía NĐT chưa thể bàn giao được.
Ông Tuệ cho biết thêm, việc kéo dài thời gian thi công đã ảnh hưởng rất lớn đến quá trình triển khai dự án ở đây, phát sinh nhiều chi phí tốn kém cho NĐT. Dù NĐT rất muốn thúc đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành sớm dự án nhưng lại phụ thuộc lớn vào công tác bàn giao mặt bằng.
Về thông tin để xây dựng 4 con đường Tp.HCM giao cho Đại Quang Minh gần 79ha “đất vàng” tại hai phường Thủ Thiêm và An Lợi Đông ở quận 2, DN này cho biết trong số đất họ được nhận chỉ có 36ha là đất ở và thương mại dịch vụ.
Ngoài câu chuyện đã nêu ở trên, ở Tp.HCM cũng đang xôn xao quanh việc NĐT dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng (theo hình thức BT) là công ty CP đầu tư xây dựng Trung Nam (Trungnam Group) mới vừa quyết định tạm ngừng thi công, do UBND Tp.HCM chậm ký xác nhận báo cáo thanh toán giải ngân để thực hiện thủ tục tái cấp vốn tiếp cho dự án.
[Caption]Ngổn ngang công trình 4 tuyến đường theo hình thức BT ở Thủ Thiêm |
Cần thẩm định khách quan
Việc chậm xác nhận báo cáo của UBND Tp.HCM đã xảy ra từ tháng 9/2017. NĐT dự án này cho biết tạm ngừng triển khai thi công là phù hợp với hợp đồng BT đã ký kết với UBND Tp.HCM và các quy định hiện hành. Đến cuối tháng 4/2018, NĐT đưa ra giải pháp tạm ngưng thi công và gửi thông báo đến chính quyền Tp.HCM.
Được biết dự án này có tổng vốn đầu tư gần 10.000 tỉ đồng, được khởi công từ ngày 26/6/2016 và dự kiến hoàn thành dịp 30/4/2018. Tuy nhiên, ngoài việc giải ngân chậm làm cho dự án bị chậm tiến độ, các trường hợp phải đền bù giải tỏa đến nay vẫn chưa giải quyết cũng là một phần nguyên nhân.
Sau động thái của Trung Nam Group, nhiều vấn đề đã được dư luận đặt ra, nhất là họ không thể hiểu nổi một công trình lớn như vậy bị ngưng thi công chỉ bởi khâu thủ tục hành chính.
Hơn nữa, cần phải quy trách nhiệm về việc giải ngân chậm, vì đây là sự lãng phí tiền của toàn xã hội quá lớn trong khi mùa mưa bắt đầu đến. Dư luận cũng đặt dấu hỏi tại sao NĐT lại không có vốn mà phải chờ giải ngân từ ngân hàng. Nếu dự án không hiệu quả thì lại thành nợ xấu và ai là người gánh?
Chỉ mới nhìn vào 2 câu chuyện điển hình về sự dở dang trong đầu tư dự án BT sẽ thấy rất nhiều vấn đề và cả “trăm nỗi khổ” từ phía người dân, Nhà nước NĐT.
Theo giới chuyên gia, việc thực hiện chủ trương huy động các nguồn lực từ khu vực tư nhân để phát triển hệ thống hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông, các dự án chỉnh trang đô thị thông qua hình thức như BT là trong điều kiện nguồn lực ngân sách ở Tp.HCM có hạn do tỷ lệ Thành phố được giữ lại từ nguồn thu ngân sách trên địa bàn chỉ là 18% như thời gian qua.
Thế nhưng, việc thực hiện theo hình thức BT khá phổ biến ở Tp.HCM trong thời gian qua đã bộc lộ những mặt hạn chế, do nguồn vốn chủ sở hữu của nhiều NĐT thường chỉ có khoảng 10%, còn lại khoảng 90% vốn đầu tư xây lắp là vốn vay ngân hàng, nên có tiềm ẩn rủi ro, có thể ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành công trình.
Điều đáng nói là có thể dẫn đến phát sinh rủi ro, tiêu cực, lợi ích nhóm, tác động đến môi trường đầu tư kinh doanh và lợi ích xã hội, trong lúc thiếu cơ chế phản biện, giám sát, thẩm định khách quan của bên thứ ba.
Thế Vinh