Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng và Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà trả lời câu hỏi của báo chí. |
Tại buổi họp báo về kết quả Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương khu vực ASEAN và các hội nghị liên quan, về tác động dịch Covid-19 đến thu-chi ngân sách, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, Bộ Tài chính đã chủ động xây dựng phương án điều hành thu - chi ngân sách trong năm 2020. Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch bệnh đã tác động đến nguồn thu ngân sách giảm sâu, cùng với đó, giá dầu thô thế giới giảm thấp nên Bộ Tài chính đã phải điều chỉnh chính sách thu để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Trong khi đó, chi ngân sách lại lớn cho phòng chống dịch, an sinh xã hội, kích cầu nội địa. Vì vậy, áp lực tăng bội chi ngân sách là không tránh khỏi.
Để đảm bảo cân đối ngân sách, Bộ Tài chính đã yêu cầu cắt giảm các khoản chi chưa cần thiết như chi công tác phí nước ngoài đã giảm 70%, chủ động nguồn dự phòng, huy động thêm nguồn lực xã hội…
Sau 5 năm thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dư địa tài khóa của Việt Nam đã được củng cố và tăng cao, quản lý bội chi chặt chẽ. Theo đánh giá, đến hết năm 2019, nhiều mục tiêu đề ra cho cả giai đoạn 5 năm về tài chính ngân sách đã cơ bản hoàn thành như thu ngân sách nhà nước đạt 25,5% GDP; bội chi ngân sách nhà nước bằng 3,36% GDP; nợ công ở mức 54,7% GDP.
Với tình hình ngân sách nhà nước năm 2020, mặc dù thu ngân sách có thể giảm so với dự toán, nhưng dư địa tài khóa lớn, nên đủ khả năng bù đắp và đặc biệt bù đắp tăng chi cho đầu tư phát triển và phòng chống dịch là hoàn toàn có dư địa. Nếu so với giai đoạn 2013-2014, hiện nay, dư địa là rất rộng.
"Thời gian tới, Việt Nam cam kết tiếp tục thực hiện các biện pháp đã được thông qua và đang thực hiện nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, như gia hạn, giảm thuế…", Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Hoa Anh