Sáng ngày 12.9, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị đẩy mạnh công tác cải cách hành chính và công bố chỉ số cải cách hành chính năm 2017. Theo khẳng định của lãnh đạo Bộ Tài chính, khó khăn lớn trong cải cách thủ tục hành chính là các đơn vị không chủ động triển khai, khi thi hành các nhiệm vụ cải cách hành chính thiếu đồng bộ, không phối hợp lẫn nhau.
Điểm yếu là... hiện đại hoá
Thống kê từ Bộ Tài chính cho biết, tính đến nay đã ban hành 20 Quyết định công bố 258 TTHC thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính, trong đó đã sửa đổi, đơn giản hóa 141 TTHC và bãi bỏ 20 TTHC.
Ông Nguyễn Nguyên Dũng - Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC, Văn phòng Chính phủ phát biểu tại Hội nghị |
Về việc tinh giảm bộ máy, kết thúc năm 2017 bộ đã tinh giảm được 4,7%, mục tiêu đến năm 2020 sẽ tinh giảm được 10% hoàn thành theo đúng yêu cầu nghị quyết của Bộ Chính Trị.
Riêng về cải cách, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn thừa nhận, hiện đại hóa vẫn đang là điểm yếu của ngành tài chính.
Theo Thứ trưởng, hiện ngành có 961 thủ tục nhưng đưa vào dịch vụ công trực tuyến mức độ 3-4 mới 46%, còn lại 54% vẫn là mức độ 1-2, trong đó có không ít là thủ tục vẫn ở mức độ 1.
“Ngay trong tháng 9, Bộ đề nghị các đơn vị chức năng trình báo cáo lộ trình, nhiệm vụ từng cục, tổng cục để chuyển các thủ tục mức độ 1-2 lên mức độ 3-4. Mục tiêu tới cuối năm, tỷ lệ thủ tục mức độ 3-4 phải là 60-65%. Tới 30/6/2019, tỷ lệ này lên 80% và tới hết năm 2019, tỷ lệ là 90%”, Thứ trưởng cho hay.
Có thể thấy, thời gian qua ngành tài chính đã nỗ lực rà soát và cắt giảm hàng nghìn TTHC, nên dư địa các thủ tục cần cắt giảm không còn nhiều. Mặc dù vậy, Bộ Tài chính vẫn tiếp tục rà soát và đề xuất phương án đơn giản hóa TTHC.
Đặc biệt, việc đơn giản, cắt giảm các điều kiện kinh doanh vẫn đang được rà soát và đề xuất cắt giảm nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Chẳng hạn, hiện nay cơ quan này đang gấp rút hoàn thành sớm luật quản lý thuế và luật chứng khoán. Việc hiện đại hóa công tác quản lý thuế sẽ giúp cho ngành thuế chống thất thu ngân sách. Còn về Luật chứng khoán là huy động được nguồn lực cho phát triển kinh tế xã hội.
Đồng bộ hóa phần mềm
Theo Báo cáo môi trường kinh doanh - Doing Business (DB) năm 2018 được World Bank (WB) công bố năm 2017 (WB thường công bố sớm trước 1 năm theo số liệu ước tính), môi trường kinh doanh của Việt Nam có sự cải thiện mạnh, từ vị trí 82 lên vị trí 68/190 nền kinh tế, cải thiện 14 bậc so với năm 2017, trong đó đặc biệt là chỉ số nộp thuế đã có sự cải thiện ngoạn mục với 81 bậc từ thứ 167 lên vị trí 86/190 nền kinh tế.
Tại lĩnh vực thuế ông Nguyễn Đại Trí, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, khó khăn lớn nhất trong cải cách thủ tục hành chính ở lĩnh vực thuế là sự chia sẻ kết nối thông tin.
Cụ thể, theo lời ông Trí, việc kết nối thông tin nếu chỉ trong ngành tài chính như thuế, hải quan, kho bạc thì thuận lợi vì hệ thống công nghệ thông tin thống nhất, phần mềm dùng chung.
Tuy nhiên, để kết nối với các bộ, ngành khác thì việc chia sẻ kết nối lại gặp khó. Chẳng hạn như trong quản lý đất đai, văn phòng quản lý đất đai ở các tỉnh dùng rất nhiều phần mềm khác nhau, số lượng phần mềm có thể lên tới hàng chục nên khó kết nối.
Ông Trí bày tỏ quan điểm sẽ có ý kiến cụ thể, báo cáo Bộ Tài chính làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường để thống nhất lại phần mềm, đảm bảo kết nối.
Dù đạt được những kết quả tích cực trong công tác cải cách TTHC, song lãnh đạo Bộ Tài chính cũng thừa nhận việc công bố, công khai thủ tục hành chính còn chậm, chưa đúng quy định, mức độ ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC một số lĩnh vực còn hạn chế. Đặc biệt bộ máy hành chính còn cồng kềnh; chất lượng đội ngũ công chức, viên chức còn chưa đồng đều, kỷ cương, kỷ luật hành chính một số nơi còn chưa nghiêm.
Thanh Hoa