Ngày 15/12, tại Diễn đàn Thuế - Hải quan 2021 với chủ đề “Chính sách thuế - hải quan đồng hành cùng doanh nghiệp”, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Vũ Xuân Bách cho biết, thời gian qua để hỗ trợ cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, hàng loạt cơ chế, chính sách đã được cấp có thẩm quyền ban hành như chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất...
Theo đó, tổng số thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất được miễn, giảm trong năm 2021 cho người dân và doanh nghiệp là khoảng 23.000 tỷ đồng.
Doanh nghiệp mong sớm hoàn thuế giá trị gia tăng để có 'tiền tươi'. |
Dù đánh giá, các chính sách hỗ trợ đã góp phần giúp doanh nghiệp vượt khó, song các chuyên gia nhận định, hai năm qua doanh nghiệp đã gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch Covid-19 như về logistics, dòng tiền, thị trường… Chính vì vậy, doanh nghiệp kỳ vọng ngành thuế cần có thêm nhiều giải pháp như các chính sách hỗ trợ cần mang tính dài hạn, có khả năng tích hợp và cộng hưởng. Điển hình là chính sách hoàn thuế giá trị gia tăng nhanh nhất để tạo dòng tiền cho doanh nghiệp duy trì sản xuất.
“Dù chúng ta đã làm tốt rồi, đã đồng hành với doanh nghiệp, nhưng liệu có thể làm tốt hơn không? Thay vì đi song song với doanh nghiệp, hãy đi trước để tạo dư địa, tạo cơ hội cho doanh nghiệp. Và thay vì tham chiếu với những kết quả thực, tế, hãy so sánh với kỳ vọng của doanh nghiệp để xem mình có thể làm tốt hơn không?”, ông Phan Đức Hiếu, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đặt vấn đề.
Phân tích kỹ hơn, ông Hiếu cho rằng thực tế, doanh nghiệp có 2 kỳ vọng. “Kỳ vọng thứ nhất là doanh nghiệp muốn được giảm, miễn thuế thay vì giãn, hoãn. Bởi chính sách giãn chỉ áp dụng trong thời gian ngắn, nhưng để doanh nghiệp “khoẻ” cần mất khoảng 1 năm. Do đó, sau thời gian hoãn, doanh nghiệp phải nộp dồn, càng gây khó khăn hơn cho họ. Bên cạnh đó, doanh nghiệp kỳ vọng ngành thuế cần có thêm nhiều giải pháp cụ thể như hoàn thuế giá trị gia tăng nhanh nhất để tạo dòng tiền cho doanh nghiệp duy trì sản xuất.
Thứ 2 là doanh nghiệp mong tạo được môi trường kinh doanh thuận lợi. Lấy ví dụ, chuyên gia này nói rằng, trong lĩnh vực hải quan, nếu như 2 lô hàng nhập về 2 cửa khẩu khác nhau, cửa khẩu nào cải cách tốt, thực hiện thông quan trước, doanh nghiệp sẽ đạt được tính cạnh tranh, còn doanh nghiệp đi sau sẽ chịu thiệt hại.
“Điều này đòi hỏi cần có sự tổ chức triển khai thống nhất đồng đều trong cả nước, đây cũng chính là sự minh bạch, công bằng môi trường kinh doanh mà chúng ta đang hướng đến”, ông Hiếu góp ý và nhấn mạnh: “Việc cải cách không phải chỉ trên văn bản, mà phải là sự hưởng lợi của doanh nghiệp người dân- đây là thước đo quan trọng và chính xác nhất”.
Đồng tình, ông Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, cho rằng cùng với gói hỗ trợ về tiền thì gói hỗ trợ kỹ thuật như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh… sẽ giúp cho các doanh nghiệp tạo ra nguồn hàng hóa xuất nhập khẩu nuôi dưỡng nguồn thu. “Đây sẽ là lá chắn bảo vệ doanh nghiệp trong bối cảnh kinh doanh nhiều rủi ro”, ông Lộc nói.
Ghi nhận ý kiến đóng góp, ông Vũ Xuân Bách cho biết, trong thời gian tới, Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến và điều kiện thực tế; tổng kết, đánh giá hiệu quả các chính sách đã thực hiện để tham mưu, báo cáo cấp có thẩm quyền các giải pháp hỗ trợ phù hợp.
Cùng với đó, ngành thuế cũng sẽ tiếp tục cải cách, hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy; cải cách thủ tục hành chính theo hướng toàn diện và hiệu quả hơn. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh hiện đại hoá quản lý thuế nhằm tạo thuận lợi, tiết giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp.
Thanh Hoa