Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, nhiều nước trên thế giới đã mạnh tay tung các gói hỗ trợ nền kinh tế. Ví dụ, Mỹ đã đưa ra các gói hỗ trợ với tổng giá trị khoảng 5.838 tỷ USD, tương đương khoảng 28% GDP của Mỹ năm 2020. Nhật Bản chi tới 61% GDP, châu Âu chi khoảng 20% GDP. Hay như Thái Lan, các gói hỗ trợ cũng chiếm đến 16,8% GDP.
Nhiều ý kiến cho rằng phải dùng "tiền tươi" mới cứu được doanh nghiệp. Ảnh Int |
Nhìn vào các gói hỗ trợ trong nước, tổng giá trị thực - tức là tổng chi phí mà Chính phủ và các tổ chức tín dụng cam kết bỏ ra ước tính khoảng 184,7 nghìn tỷ đồng, chỉ tương đương 2,94% GDP năm 2020. So với những khó khăn mà doanh nghiệp đang đối diện thì quy mô của các gói hỗ trợ còn quá ít.
Tại Tọa đàm “Động lực kích thích kinh tế tăng trưởng và doanh nghiệp phục hồi sau dịch” diễn ra ngày 21/10, chuyên gia này đặt vấn đề: Chính phủ các nước lấy tiền ở đâu? Thực tế, tiền của Chính phủ các nước chỉ đủ chi tiêu thường xuyên và trả nợ, không có tiền đầu tư như Chính phủ Việt Nam. Và để hỗ trợ nền kinh tế, Chính phủ các nước đều phát hành trái phiếu.
Theo đó, nguồn hỗ trợ được các nước dùng bổ sung vốn cho ngân hàng để tài trợ thất nghiệp, tài trợ việc làm bằng phát tiền mặt; Cho vay các doanh nghiệp lớn mà ngân hàng không thể cho vay nhưng đây đều là các doanh nghiệp rất quan trọng trong nền kinh tế; Bảo lãnh cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa để cho vay, bởi các doanh nghiệp này không đủ điều kiện vay vốn...
Dù hỗ trợ hình thức nào thì vấn đề cốt lõi vẫn phải bằng "tiền tươi thóc thật". Tuy nhiên, tại Việt Nam hỗ trợ chủ yếu bằng chính sách như: hạ lãi suất, cơ cấu nợ, giảm thuế... “Chúng ta hạ lãi suất để làm gì khi doanh nghiệp có đủ điều kiện vay vốn đâu, không miễn giảm lãi, giãn nợ thì doanh nghiệp cũng không có tiền để trả... Hay như việc miễn giảm thuế, gia hạn thời gian nộp thuế, doanh nghiệp có kinh doanh đâu mà có lãi để nộp thuế? Tất cả những động thái này đều là tốt nhưng lại không thể kích thích được doanh nghiệp, nền kinh tế phục hồi. Điều doanh nghiệp cần lúc này là "oxy để thở", cần tiền mặt thật”, ông Nghĩa phân tích.
Ví dụ về chính sách thuế mới thực hiện tích cực từ phía “giảm thu”, chưa “tăng chi” để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Mức độ hỗ trợ còn ít vì chính sách “giảm thu” thì doanh nghiệp nào còn doanh thu mới được thụ hưởng, trong khi nhiều doanh nghiệp hiện đã không còn nguồn thu, dẫn đến tỷ lệ thụ hưởng hạn chế.
Trường hợp của Công ty TNHH Vận tải Minh Thành Phát (Hà Nội) là một ví dụ điển hình. Giám đốc Đỗ Văn Bằng cho biết, Công ty có hơn 100 xe chở khách, nhưng do ảnh hưởng dịch bệnh chỉ hoạt động cầm chừng, có thời điểm dừng hẳn do giãn cách xã hội. Không có nguồn thu nên kể cả khi tiền thuế đã được Nhà nước giảm, Công ty cũng không biết lấy đâu ra tiền để nộp. Theo ông Bằng, các đơn vị vận tải khách đều đang chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, thua lỗ, cho nên Nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ khác để doanh nghiệp được tiếp cận.
TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, Việt Nam không nên quá "căn ke” về nguồn lực, mà phải đi vay để triển khai các gói hỗ trợ doanh nghiệp. Theo đó, ông đề nghị Việt Nam nên có 2 gói hỗ trợ. Gói thứ nhất dùng để mua vắc xin (tới đây là thuốc đặc trị) và nâng cấp y tế. Nguồn lực hỗ trợ trực tiếp cho y tế này, theo ông Nghĩa, nên dùng dự trữ ngoại hối. Hiện, dự trữ ngoại tệ lên tới 107 tỷ USD, có thể bỏ ra vài tỷ USD triển khai gói này.
Gói hỗ trợ thứ hai là từ tài khóa, tức là Bộ Tài chính phát hành bán trái phiếu, nếu ngân hàng thương mại không mua hết thì Ngân hàng Nhà nước mua hết, ít nhất khoảng 3 - 5 tỷ USD, để tài trợ nền kinh tế phục hồi nhanh. "Gói hỗ này để tài trợ phục hồi lại thị trường lao động theo sổ lương của các công ty, để các công ty có cơ hội gọi nguồn lao động trở lại và người lao động có động lực làm tốt để phục hồi sản xuất", ông Nghĩa nêu.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này lưu ý, việc “bơm tiền” vào nền kinh tế có thể dẫn tới áp lực lạm phát. Hiện, lạm phát đang thấp là do cầu yếu và vòng quay tiền chậm, đồng thời có thể làm tăng tỷ giá hối đoái - hay nguy cơ bị Mỹ cáo buộc thao túng tiền tệ. Vì vậy, cần có chính sách điều hành linh hoạt.
Trước đó, liên quan đến kiến nghị sử dụng "kho" dự trữ ngoại hối để hỗ trợ doanh nghiệp, VnBusiness cũng có bài viết tham khảo ý kiến của một số chuyên gia và cơ quan quản lý. Trong đó, hầu hết các ý kiến đồng tình việc tăng quy mô các gói hỗ trợ nền kinh tế, nhưng đều cho rằng sử dụng quỹ dự trữ ngoại hối để hỗ trợ nền kinh tế là bất khả thi. Chưa kể, mức độ "bơm tiền" cũng phải hết sức cân nhắc, vì lạm phát hiện tại tuy đang thấp song lại tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ.
Thanh Hoa