Sáng 23/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi).
Một trong những điểm mới đáng chú ý được bổ sung tại dự thảo luật lần này là quy định áp dụng thuế suất ưu đãi 15% đối với thu nhập của các cơ quan báo chí từ hoạt động báo chí khác ngoài báo in (báo điện tử, truyền hình, phát thanh).
Mức thuế này giảm 5% so với luật hiện hành. Riêng báo in tiếp tục áp dụng mức thuế suất ưu đãi 10%.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, hiện các cơ quan báo in đang được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp là 10%, còn cơ quan báo điện tử thì không được ưu đãi nên rất khó khăn. Theo ông Vinh, các cơ quan báo chí dù là báo in, báo điện tử hay truyền hình, phát thanh đều là báo chí cách mạng, là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc các cơ quan nhà nước. Hiện tại, thu nhập của các cơ quan báo chí chủ yếu phụ thuộc vào quảng cáo; tuy nhiên, "miếng bánh" quảng cáo cũng đang bị thu hẹp, khiến cơ quan báo chí gặp nhiều khó khăn.
"Chúng tôi đề nghị một mức ưu đãi thuế thu nhập chung cho báo in, báo điện tử và các loại hình báo chí khác như đang áp dụng cho báo in hiện nay", Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh kiến nghị.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh. |
Ông Vinh phân tích, các cơ quan báo in đang được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp là 10%, còn cơ quan báo điện tử không được ưu đãi nên rất khó khăn.
Vì thế, các cơ quan liên quan đề nghị một mức ưu đãi thuế thu nhập chung cho báo in, báo điện tử và các loại hình báo chí khác như đang áp dụng cho báo in hiện nay.
Giải trình thêm, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết, diện hưởng ưu đãi thuế tại dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp thực chất đã được thu hẹp theo các quy định hiện hành. Tại dự thảo trình Quốc hội, Chính phủ đã sắp xếp lại khoảng 25 nhóm ngành nghề và mức thuế suất ưu đãi cũng được chia làm 5 nhóm theo từng loại hình.
Bên cạnh áp dụng thuế suất ưu đãi với thu nhập của các cơ quan báo chí, Chính phủ đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định việc áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong thời hạn 15 năm với dự án đầu tư mới tại khu kinh tế nằm trên địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn. So với quy định hiện nay, mức thuế suất này giảm một nửa.
Dự thảo Luật giao Chính phủ xác định ưu đãi thuế cho trường hợp vị trí thực hiện dự án nằm trên cả địa bàn được áp dụng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp và địa bàn không thuộc địa bàn ưu đãi thuế, để đáp ứng các yêu cầu quản lý trong từng giai đoạn.
Ngoài ra, theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn, dự thảo Luật lần này còn bổ sung quy định áp dụng mức thuế suất ưu đãi 17% (giảm 3% so với hiện hành) trong 10 năm đối với dự án đầu tư kinh doanh cơ sở kỹ thuật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; đầu tư kinh doanh khu làm việc chung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo...
Dự án đầu tư tại khu kinh tế nhưng không nằm trên địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn, cũng được đề xuất áp mức thuế suất ưu đãi 17% trong 10 năm.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, theo thông lệ quốc tế, chúng ta thường đánh thuế trực thu hơn là gián thu. Tuy nhiên, thời gian tới, Luật cần đảm bảo tính công bằng cho các đối tượng nộp thuế. Nội dung sửa đổi có nhiều nội dung luật hóa từ văn bản mới dưới luật bao gồm các nghị định, thông tư, nên cần xem xét, nghiên cứu cụ thể, chi tiết hơn.
Tán thành với việc cần thiết phải sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, nhằm khắc phục bất cập hiện hành, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, đây là Luật rất quan trọng, liên quan đến các khoản chi phí được trừ và không được trừ. Ban soạn thảo đã làm việc rất công phu, tâm huyết nhưng phải làm sao khi xây dựng dự thảo Luật phải có tính chất toàn diện hơn, lý giải kỹ vì sao phải sửa và sửa như nào, với mục tiêu vướng chỗ nào sửa ngay chỗ đó.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, đây là luật liên quan đến các doanh nghiệp trong và ngoài nước, nên việc sửa Luật phải vừa đảm bảo nguồn thu ngân sách, khắc phục tình trạng trốn thuế, thất thu thuế, nhưng phải công bằng, phù hợp với xu thế, và thông lệ quốc tế…
Hồng Hương