Một trong những vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất trong quá trình soạn thảo là vấn đề ưu đãi thuế đối với hoạt động đầu tư.
Ưu đãi thuế đầu tư mở rộng
Dự thảo Luật hiện nay đang đề xuất ưu đãi thuế suất 20% trong 10 năm đối với thu nhập của DN từ thực hiện dự án đầu tư mới tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; miễn thuế không quá 2 năm, giảm 50% số thuế phải nộp tối đa không quá 4 năm tiếp theo đối với thu nhập của DN từ thực hiện dự án đầu tư mới tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, tại khu công nghiệp (trừ khu công nghiệp trên địa bàn các thành phố trực thuộc Trung ương).
Đây phải là thu nhập mang lại từ các dự án mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao công suất, đổi mới công nghệ sản xuất. Các dự án được ưu đãi phải đáp ứng tiêu chí về quy mô vốn đầu tư hình thành tài sản, công suất tăng thêm theo quy định của Chính phủ và thu nhập được miễn thuế phải là thu nhập được hạch toán riêng.
Thời gian miễn thuế, giảm thuế được tính từ năm dự án hoàn thành đầu tư đưa vào sản xuất, kinh doanh. Trường hợp DN có dự án đầu tư mở rộng theo tiến độ đã ghi trong hồ sơ cấp Giấy chứng nhận đầu tư hoặc cấp Giấy chứng nhận đầu tư lần đầu thì đối với phần thu nhập từ dự án đầu tư mở rộng, DN được lựa chọn ưu đãi theo quy định tại khoản này hoặc hưởng ưu đãi cho thời gian còn lại của dự án đầu tư ban đầu (ưu đãi cả thuế suất và thời gian miễn giảm thuế, nếu có).
![]() |
Thuế suất và ưu đãi thuế được các DN quan tâm nhất
Về việc có nên đưa chính sách ưu đãi đầu tư vào Luật Thuế này hay không cũng là vấn đề có nhiều ý kiến trái chiều. Có ý kiến cho rằng chính sách thuế cần bảo đảm tính trung lập, không nên gắn với chính sách đầu tư. Chính sách thuế cần ổn định, lâu dài, còn chính sách đầu tư thường xuyên thay đổi, phụ thuộc vào chủ trương điều hành nền kinh tế của Chính phủ. Vì vậy không nên quy định ưu đãi thuế đối với hoạt động đầu tư trong Luật này.
Thực tế, chính sách thuế TNDN của Việt Nam trong 10 năm qua có nhiều thay đổi. Luật Thuế TNDN năm 2003 thì cho phép ưu đãi đối với đầu tư mở rộng, đến Luật năm 2008 lại bỏ quy định này và lần sửa đổi này, Chính phủ lại đề nghị áp dụng lại quy định của Luật năm 2003. Điều đó chứng tỏ quan điểm về chính sách thuế TNDN chưa nhất quán, đang gây khó khăn cho các nhà đầu tư trong việc lập kế hoạch đầu tư tại Việt Nam.
Lộ trình giảm thuế suất
Việc có ưu đãi thuế đối với đầu tư mở rộng liên quan đến việc một số nhà đầu tư lớn đang cân nhắc giữa việc tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam hay tại một nước khác, ví dụ như Canon, LG... Trong tình hình đầu tư đang khó khăn hiện nay thì chính sách thu hút đầu tư là rất cần thiết, nhưng nếu quay trở lại chính sách ưu đãi đầu tư mở rộng thì chính sách thuế sẽ không ổn định, đến khi tình hình kinh tế thay đổi, muốn bỏ ưu đãi thuế thì sẽ bị các nhà đầu tư phản đối, điều đó chứng tỏ sự không phân định giữa mục tiêu của chính sách thuế với chính sách thu hút đầu tư.
Điểm được chú ý nhất của Luật này là thuế suất. Chính phủ đề xuất thuế suất phổ thông là 23% và ưu đãi thuế suất 20% đối với các DN sử dụng dưới 200 lao động làm việc toàn bộ thời gian, có tổng doanh thu không quá 20 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, tại Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 18/3 vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã đề nghị giảm mạnh thuế suất phổ thông xuống mức 20% như nhiều ý kiến của cử tri và để phù hợp với lộ trình giảm thuế theo Chiến lược cải cách thuế 2011 - 2020.
Về vấn đề này cũng có nhiều ý kiến khác nhau vì tác động trước mắt của việc giảm ngay thuế suất là giảm thu ngân sách, nhưng tác động lâu dài là kích thích sản xuất, đầu tư. Tuy nhiên, tác động giảm thuế thì khá rõ và tính được ngay.
Theo tính toán của Bộ Tài chính thì việc giảm thuế suất phổ thông như Dự thảo Luật đã khiến ngân sách mỗi năm giảm hơn 12.000 tỷ đồng. Nếu tiếp tục giảm thuế suất xuống mức 20% thì liệu ngân sách có cân đối được không, lấy nguồn gì để bù đắp? Còn tác động lâu dài của giảm thuế đối vối môi trường đầu tư, kinh doanh thì không thể tính toán cụ thể được, vì chính sách thuế chỉ là một trong những công cụ điều hành kinh tế.
Kết luận tại Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị nên nghiên cứu quy định có lộ trình giảm thuế suất: năm 2014 là 23%, năm 2015 - 2016 là 20% để DN, nhà đầu tư biết được chính sách thuế của Nhà nước.
Chắc chắn thuế suất sẽ là vấn đề sẽ được tiếp tục tranh luận trên nghị trường trong Phiên họp Quốc hội tháng 5 tới để quyết định một mức thuế suất hợp lý trong thời điểm hiện nay, vừa bảo đảm khả năng cân đối ngân sách, vừa hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng.
Linh Chi