Về vấn đề này, chia sẻ với VnBusiness, chuyên gia kinh tế Nguyễn Thường Lạng cho rằng cần giảm bậc chịu thuế thu nhập cá nhân từ 7 xuống 4-5, đồng thời xem xét nới rộng khoảng cách thu nhập trong các bậc thuế, đảm bảo điều tiết cao hơn với nhóm thu nhập cao.
Kiềm chế lạm phát khi lương tăng
Cho rằng hiện tượng lợi dụng việc tăng lương để tăng giá cả dường như đã là quy luật "bất thành văn", tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, nhiều ĐBQH nhận định, trước khi tăng lương, giá đã tăng trước một đoạn.
Sau khi tăng lương, khả năng giá tiếp tục tăng. Do đó cần phải có giải pháp để bình ổn giá, nhất là các mặt hàng tiêu dùng.
Với giải pháp chung kiểm soát lạm phát cuối năm, bà Lê Thị Tuyết Nhung, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng, Bộ đã chủ động đưa ra dự báo, tính toán cập nhật một số kịch bản lạm phát, đưa ra các biện pháp để kiềm chế.
Nhiều người lo lắng giá hàng hóa sẽ tăng theo lương cơ sở trong thời gian tới. |
Trong đó, chủ động theo dõi sát diễn biến giá các hàng hóa chiến lược trên thị trường thế giới, diễn biến tình hình kinh tế thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ tác động đến mặt bằng giá trong nước.
Đồng thời, chủ động thực hiện theo thẩm quyền hoặc đề xuất, tham mưu cấp có thẩm quyền các biện pháp, giải pháp, kịch bản ứng phó phù hợp, linh hoạt, kịp thời.
"Tất cả nhằm bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2024 trong giới hạn 4 - 4,5%, trong mọi tình huống. Trọng tâm là việc đánh giá, tính toán kỹ các tác động để tránh gây xáo trộn lớn về mặt bằng giá cả, không tăng giá đột ngột và tăng giá cộng dồn vào cùng một thời điểm”, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá thông tin.
Để ổn định giá trong điều kiện tăng lương, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Thường Lạng, cần tiến hành đồng thời tăng nguồn cung hàng hóa, bảo đảm chuỗi cung ứng. Thậm chí, nguồn cung phải dồi dào để có thể đáp ứng ngay tại chỗ, ngay lập tức để ngăn việc tăng giá.
Đồng thời, phải phát huy vai trò của các chương trình khuyến mãi quốc gia ngay thời điểm này. Đây là thời điểm hợp lý nhất, bởi không có gì hay bằng cách "đang tăng lương thì được giảm giá".
Bên cạnh đó, theo chuyên gia Nguyễn Thường Lạng, sau khi tăng lương, lượng tiền tăng thêm ngoài thị trường lên tới gần 1 triệu tỷ đồng, đây là con số lớn nên có thể tăng lãi suất ngân hàng để huy động lượng tiền nhàn rỗi tạm thời, tránh tình trạng tăng giá cục bộ do "vung" chi tiêu, đẩy cầu lên từ thị trường.
Từ ngày 1/7, lương cơ sở tăng từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng, lương hưu cũng được điều chỉnh tăng 15%.
“Còn kiểm soát theo từng mặt hàng, những nhóm mặt hàng Nhà nước định giá hay bình ổn giá như điện, nước, xăng dầu, dịch vụ công… cần giữ bình ổn. Vì đây là nhóm hàng ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt người dân và chi phí sản xuất, trực tiếp tác động giá thành sản phẩm”, chuyên gia Nguyễn Thường Lạng cho hay.
Ngoài ra, theo ông Lạng, với những mặt hàng doanh nghiệp tự kê khai giá và tự chịu trách nhiệm, cần tăng cường thanh kiểm tra để kiểm soát. Nếu việc tăng giá bất thường, không có lý do chính đáng thì cần có hình thức xử lý thỏa đáng.
Chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình, giám đốc Emonica Việt Nam cho rằng, với những mặt hàng Nhà nước quản lý giá, có thể can thiệp bằng cách chưa tăng để giảm áp lực cộng hưởng.
Còn với những mặt hàng giá do thị trường quyết định, cần có những giải pháp về mặt truyền thông chính sách để giảm bớt kỳ vọng lạm phát, không để lương tăng là giá tăng theo.
Cần giảm bậc chịu thuế từ 7 xuống 4-5
Lương đã tăng, trong khi thuế thu nhập cá nhân đã lạc hậu. Nhiều ý kiến cho rằng nếu tăng lương 30% thì mức giảm trừ gia cảnh ít nhất cũng phải tăng 30%, thậm chí 50%.
Theo ông Lạng, khi các quy định về tiền lương thay đổi, chắc chắn đòi hỏi chúng ta phải thay đổi cả quy định về thuế thu nhập cá nhân. Điều này là đương nhiên bởi khi tiền lương tăng lên, thu nhập có sự thay đổi.
“Tôi cho rằng cần giảm bậc chịu thuế thu nhập cá nhân từ 7 xuống 4-5, đồng thời xem xét nới rộng khoảng cách thu nhập trong các bậc thuế, đảm bảo điều tiết cao hơn với nhóm thu nhập cao. Có thể từ mức cũ nâng lên tới 30%, tương đương mức tăng của tiền lương cho khoảng cách thu nhập phải chịu thuế. Thu nhập của người lao động hài hòa sẽ giúp tổng cầu nền kinh tế, phúc lợi của người tiêu dùng tăng lên”, ông Lạng khuyến nghị.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng nên rút gọn biểu thuế, bởi 7 bậc là quá dày và gây khó hiểu cho người dân. Ông Thịnh kiến nghị, biểu thuế thu nhập cá nhân chỉ nên còn 3 bậc, bậc thấp cho nhóm thu nhập dưới 30 triệu đồng/tháng, bậc trung bình từ trên 30 triệu đồng/tháng đến 100 triệu đồng/tháng, và bậc cao từ 100 triệu đồng/tháng trở lên. Về thuế suất, bậc thấp chỉ nên thu thuế ở mức 2% thay vì 5% như hiện nay, bậc trung bình thuế suất tính 10% và bậc cao thuế suất tính 20%.
“Thông thường các nước quy định giữa các bậc thuế thường có khoảng cách lớn. Ngoài ra, mức thuế suất cao nhất hiện nay của Việt Nam là 35%, khá cao, làm giảm tính cạnh tranh nội bộ quốc gia và quốc tế trong thu hút các nhà quản lý, nhà khoa học, nhân lực, lao động có tay nghề cao làm việc...”, ông Thịnh nói.
Hoàng Phúc