Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ giảm mạnh, doanh nghiệp gỗ đang trải qua thời kỳ hết sức khó khăn.
Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đề nghị bỏ thuế VAT 10% đối với mặt hàng gỗ chế biến và xuất khẩu. |
Sau nhiều năm liên tục tăng trưởng nhanh, trong 5 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 4,7 tỷ USD, giảm gần 30% so với cùng kỳ năm 2022. Đặc biệt, sản phẩm gỗ chế biến sâu, thuộc mã HS 94 giảm tới 38%. Hiện nay, chỉ còn một số mặt hàng thuộc nhóm HS 44 còn tăng trưởng dương.
Trong khi đó, thống kê sơ bộ của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho thấy, số tiền thuế VAT mà doanh nghiệp chế biến – xuất khẩu gỗ chưa được hoàn trả là 6,1 nghìn tỷ đồng. Trong đó, các doanh nghiệp xuất khẩu dăm thuộc Chi hội Dăm gỗ khoảng trên 4 nghìn tỷ đồng (riêng với 11 doanh nghiệp xuất khẩu dăm lớn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, số thuế chưa được hoàn đến hết tháng 5/2023 là 1.105 tỷ đồng); các doanh nghiệp hội viên Chi hội Gỗ dán cũng chưa được hoàn thuế trên 500 tỷ đồng; số còn lại khoảng 1,6 nghìn tỷ thuộc về các doanh nghiệp viên nén và chế biến xuất khẩu các sản phẩm gỗ khác.
Các doanh nghiệp hết sức khó khăn khi không được hoàn thuế, thiếu vốn để xoay xở và hỗ trợ người lao động trong bối cảnh khan hiếm đơn hàng.
Đại diện Công ty TNHH Lâm Thanh Hưng chia sẻ: “Công ty gặp rất nhiều khó khăn trong việc hoàn thuế VAT vì thời gian hoàn thuế kéo dài, theo quy định thời gian đối với hồ sơ kiểm tra trước, hoàn thuế sau là 40 ngày nhưng hồ sơ hoàn thuế của công ty bị kéo dài tới hơn 6 tháng mà không nhận được quyết định hoàn hay không hoàn.
Nguyên nhân là bởi do có quá nhiều bất cập trong truy xuất, xác minh nguồn gốc gỗ, vì theo quy định phải xác minh tới tận hộ trồng rừng. Trong khi đó, một lô hàng xuất khẩu của doanh nghiệp được mua của vài chục hộ trồng rừng tại rất nhiều các địa phương khác nhau. Vậy, thời gian và nhân lực đâu để đi xác minh đủ số hộ bán gỗ cho công ty? Chính vì lẽ đó, công ty phải rút hồ sơ và tạm thời hoãn nộp hồ sơ hoàn thuế để tập trung vào sản xuất kinh doanh tìm đầu ra cho đơn hàng mới”.
Đại diện Công ty TNHH Tỷ Long cũng than phiền: “Việc xác minh tới người dân rất khó cho doanh nghiệp. Công ty nộp hồ sơ hoàn thuế cách đây 2 năm, tới nay vẫn chưa được hoàn thuế do hồ sơ đã được chuyển sang cơ quan công an để điều tra. Hiện, hồ sơ hoàn thuế này đã kéo dài 2 năm mà chưa xác minh xong. Mỗi ngày 2 đồng chí công an đi xác minh được 4 hộ gia đình trồng rừng, trong khi doanh nghiệp mua ở nhiều địa bàn từ rất nhiều hộ và cơ sở kinh doanh khác nhau, có thể từ hàng nghìn chủ rừng, nếu đi xác minh đầy đủ có thể phải mất 5 năm”.
Đại diện Công ty TNHH 12/11 Hạ Long nhấn mạnh: “Việc đi xác minh nguồn gốc tới người trồng rừng là không khả thi vì có tình trạng người có sổ thì không có rừng, người trồng rừng thì không có sổ, ngoài ra gỗ keo còn được trồng ở bờ sông, bờ ao,... Như vậy, nhiều người dân trồng và bán gỗ không lấy đâu ra được sổ đỏ để chứng minh diện tích rừng trồng đó là của mình”.
Trước tình hình trên, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam và doanh nghiệp gỗ đề nghị Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế rà soát lại các vướng mắc tại các văn bản quy định hiện hành để gỡ khó cho doanh nghiệp, đảm bảo dòng tài chính để doanh nghiệp ký kết các hợp đồng mới, tránh trường hợp hiện có nhiều doanh nghiệp có đơn hàng nhưng lại không có dòng vốn để thực hiện.
Cùng với đó, các doanh nghiệp ngành gỗ đề nghị Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế xem xét và trả lời các hồ sơ hoàn thuế, chia ra từng giai đoạn 3 tháng, 6 tháng để giải quyết dứt điểm các bộ hồ sơ cho doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp xuất khẩu có hợp đồng với doanh nghiệp thương mại thì cho phép hoàn thuế VAT vì đây là giao dịch kinh tế hợp pháp, đáp ứng đủ các điều kiện hoàn thuế. Nếu phát hiện doanh nghiệp vi phạm pháp luật thì đề nghị thanh/kiểm tra và xử lý theo quy định của pháp luật.
Các doanh nghiệp ngành gỗ cũng đề nghị đưa mặt hàng gỗ ra khỏi nhóm những mặt hàng rủi ro cao trong việc hoàn thuế, vì theo quy định của Luật Lâm nghiệp, gỗ rừng trồng là gỗ hợp pháp. Nếu tình trạng hoàn thuế VAT còn kéo dài và chưa có hướng xử lý, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đề nghị bỏ thuế 10% đối với mặt hàng này, để tránh tình trạng lợi dụng việc hoàn thuế VAT để gian lận ngân sách nhà nước, tác động xấu tới các doanh nghiệp tuân thủ pháp luật và làm ăn chân chính.
"Hoặc có cơ chế/chính sách để doanh nghiệp đóng thuế hộ khâu chế biến gỗ trung gian với mức 1,5% và doanh nghiệp được phép hạch toán vào chi phí của doanh nghiệp", Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đề nghị.
Thy Lê