Trong tháng 11 này, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đã có công văn gửi Bộ NN&PTNT, Bộ Tài Chính đề nghị tháo gỡ khó khăn đối với việc xác nhận nguồn gốc gỗ rừng trồng trong việc hoàn thuế Giá trị gia tăng (VAT).
Rơi vào nhóm hàng rủi ro cao khi hoàn thuế
Hiệp hội này lưu ý lượng thuế VAT của các doanh nghiệp (DN) sử dụng gỗ rừng trồng chưa được hoàn tính đến nay đã lên tới con số trên dưới 1.000 tỷ đồng, với hàng trăm DN hiện chưa được hoàn thuế. Có DN có số tiền thuế chưa được hoàn lên tới 200 tỷ đồng, nhiều DN chưa được hoàn 40-50 tỷ đồng.
Ngoài siết gian lận thuế, điều mong mỏi là cơ quan quản lý thuế cần tránh ách tắc, cứng nhắc về hoàn thuế, không để ảnh hưởng tiêu cực đến dòng tiền của những DN chân chính. |
Còn theo phản ánh mới đây của Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA), các DN trong ngành cao su đang gặp vướng mắc về chính sách thuế VAT. Chẳng hạn như phải kê khai thuế VAT đối với cao su sơ chế trong khâu kinh doanh thương mại, chưa được hưởng chính sách như các sản phẩm trồng trọt khác.
Ngoài ra, vấn đề gây bức xúc là DN xuất khẩu cao su phải nộp thuế VAT. Mặc dù DN sẽ được hoàn lại sau khi xuất khẩu (XK), nhưng thời gian chờ phải từ 4-9 tháng, thậm chí có trường hợp còn lâu hơn. Có DN còn tồn đọng thuế hoàn cả trăm tỷ đồng.
Điều này gây tốn kém chi phí cho DN ngành cao su để trả lãi suất vay ngân hàng cho số vốn tạm nộp thuế VAT. Khó khăn này càng lớn khi DN xuất khẩu càng nhiều. Vì thế, một số DN đã giảm XK cao su hoặc chuyển sang nông sản khác.
Từ phản ánh của 2 hiệp hội nêu trên cũng làm gợi nhớ kiến nghị hồi đầu năm nay của Hiệp hội Sắn Việt Nam gửi đến Thủ tướng Chính phủ về việc tháo gỡ vướng mắc thủ tục hoàn thuế VAT cho các DN xuất khẩu sắn.
Tuy vậy, hồi tháng 7/2022, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) trong văn bản trả lời Hiệp hội Sắn Việt Nam có cho biết đã hai lần đối thoại với hiệp hội này, trực tiếp trả lời các nội dung câu hỏi, vướng mắc về hoàn thuế GTGT mặt hàng tinh bột sắn.
Trong đó, ý chính của Tổng cục Thuế là các DN được hoàn thuế VAT nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện và thủ tục về hoàn thuế theo quy định của pháp luật.
Không chỉ vậy, cũng vào tháng 7/2022, Tổng cục Thuế đã cho phân loại rủi ro các hồ sơ hoàn thuế VAT để thực hiện thanh tra, kiểm tra 100% trong vòng một năm đối với các hồ sơ xác định có rủi ro cao đặc biệt với hoàn thuế XK một số mặt hàng như: Tinh bột sắn, cao su, hạt điều, dăm gỗ, nông sản.
Theo đó, Tổng cục Thuế phối hợp với cơ quan hải quan để xác minh nguồn gốc hàng hóa, tờ khai nhập khẩu, các lô hàng XK của các DN hoàn thuế và việc vận chuyển hàng hoá liên quan đến lô hàng XK, cũng như trao đổi thông tin với cơ quan thuế nước ngoài nhằm phát hiện gian lận trong hoàn thuế VAT.
Siết gian lận, nhưng đừng cứng nhắc
Bên cạnh đó, vào tháng 10/2022, Tổng cục Hải quan yêu cầu các cục hải quan tỉnh, thành phố kiểm soát chặt chẽ việc hoàn thuế, tổ chức thực hiện các giải pháp chống gian lận trong hoàn thuế.
Ngoài ra, số liệu thống kê trong 9 tháng đầu năm nay cho thấy ngành thuế cả nước đã thực hiện được 4.031 cuộc thanh tra, kiểm tra sau hoàn thuế. Tổng số thuế truy hoàn và phạt là 362,5 tỷ đồng.
Nêu ra những động thái từ ngành thuế và hải quan, tình hình thanh kiểm tra sau hoàn thuế để thấy việc ngăn ngừa gian lận hoàn thuế vẫn đang được đẩy mạnh.
Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, ngoài việc bịt các kẽ hở gian lận hoàn thuế VAT thì cơ quan thuế cũng nên tạo thuận lợi hơn cho các DN nhằm tháo gỡ khó khăn khi bị tồn đọng số thuế VAT chưa được khấu trừ trong giai đoạn dài, ảnh hưởng tới dòng tiền của DN phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Qua trao đổi với VnBusiness, một số chủ DN cho rằng có một điểm chung mà họ thường gặp phải là khi cơ quan thuế nghi ngờ thì sẽ tìm lý do để từ đó trả lại hồ sơ hoàn thuế.
Chẳng hạn như với các DN trong ngành gỗ. Khi các DN xuất khẩu nộp hồ sơ xin hoàn thuế, cơ quan quản lý thuế tại nhiều địa phương trả lại hồ sơ và yêu cầu DN phải xác nhận nguồn gốc gỗ nguyên liệu đầu vào trong các mặt hàng XK.
Cụ thể hơn nữa là yêu cầu xác minh nguồn gốc nguyên liệu tới tận chủ rừng, bao gồm việc yêu cầu DN xuất khẩu cung cấp sổ đỏ của chủ rừng và cần bên thứ ba là cơ quan kiểm lâm địa bàn hoặc Ủy ban nhân dân xã xác nhận hồ sơ nguồn gốc lâm sản.
Theo phía DN ngành gỗ, điều này cho thấy sự không nhất quán giữa Thông tư 27 của Bộ NN&PTNT và các quy định của Tổng cục Thuế về xác minh nguồn gốc lâm sản, bao gồm hồ sơ nguồn gốc lâm sản.
Bên cạnh đó, theo phản ánh của một số DN trong các lĩnh vực khác, có một điểm chung là khi cơ quan thuế nghi ngờ rồi từ đó tìm lý do để không hoàn thuế. Chẳng hạn như hóa đơn đầu vào của DN đối tác đã ngừng hoạt động, hồ sơ mua bán hàng hóa thiếu hợp đồng… Có nhiều trường hợp hóa đơn đầu vào bị cơ quan thuế loại ra mà DN không biết làm thế nào để đáp ứng yêu cầu.
Có thể thấy việc hoàn thuế đang được siết chặt từ phía cơ quan thuế, nhất là không ít trường hợp DN được đưa vào danh sách, đối tượng cần phải kiểm tra kỹ hồ sơ trước khi hoàn thuế.
Thế nhưng, phải hiểu rằng bản chất của thuế VAT là thuế gián thu, người nộp thuế đã ứng trước tiền thuế để nộp vào ngân sách. Sau đó, khi bán hàng hoá, cung cấp dịch vụ, DN nộp thuế thu hồi lại số tiền đã nộp (bản chất hành thu của thuế gián thu là một phương thức thu hộ).
Trong khi đó, điều kiện, thời gian được hoàn thuế đã có quy định rõ ràng. Vì thế, nếu vượt quá thời gian quy định, không vì siết gian lận hoàn thuế mà cơ quan thuế có thể cứng nhắc làm chậm hoàn thuế của những DN làm ăn chân chính giữa thời điểm gặp nhiều khó khăn như hiện tại.
Thế Vinh