Nội dung này được nêu tại văn bản của Tổng cục Thuế gửi các cục thuế địa phương về siết kiểm soát bán hàng, nhận hoa hồng từ hoạt động livestream trên thương mại điện tử.
Theo đó, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo các cục thuế địa phương tăng cường kiểm soát hóa đơn điện tử, yêu cầu các cơ sở kinh doanh tuân thủ nghiêm việc xuất hóa đơn điện tử đảm bảo 100% giao dịch, bao gồm cả các giao dịch thương mại điện tử xuất đầy đủ hóa đơn điện tử.
Đồng thời, cơ quan thuế các cấp được yêu cầu tăng cường thanh tra và kiểm tra các tổ chức kinh doanh thương mại điện tử để thu thập thông tin phục vụ quản lý thuế.
Các thủ trưởng cơ quan thuế cần phân công bộ phận, công chức phân nhóm đối tượng theo yêu cầu quản lý, rà soát dữ liệu khai thuế, và xử lý vi phạm pháp luật thuế, kể cả phối hợp với cơ quan Công an nếu cần.
Bình quân mỗi tháng, Việt Nam hiện có 2,5 triệu phiên bán hàng livestream diễn ra, với hơn 50.000 nhà bán hàng. |
Xu hướng livestream bán hàng đang ngày càng được đẩy mạnh. Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế số phát triển mạnh mẽ, việc nắm bắt và ứng dụng hiệu quả xu hướng này sẽ là chìa khóa giúp các doanh nghiệp và các nhà bán lẻ tăng trưởng doanh thu. Trong các phiên livestream thường có tổ chức, cá nhân bán hàng cho chính họ hoặc các blogger, tiktoker, người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội được trả hoa hồng từ livestream bán hàng.
Theo hãng dữ liệu NielsenIQ, quý đầu năm, 95% khách hàng trực tuyến mua sản phẩm qua kênh này. Còn theo dự báo của Statista, tốc độ phát triển thương mại điện tử của Việt Nam năm 2025 có thể lên đến 29% và tổng quy mô thị trường có thể đạt mức 39 tỷ USD.
Bình quân mỗi tháng, Việt Nam hiện có 2,5 triệu phiên bán hàng livestream diễn ra, với hơn 50.000 nhà bán hàng. Trung bình người Việt dành đến 13 tiếng mỗi tuần để mua sắm qua các phiên livestream.
Đối với việc quản lý thuế trên thương mại điện tử, theo quy định hiện nay, người bán hàng online sẽ phải nộp thuế giá trị gia tăng (VAT) và thuế thu nhập cá nhân nếu có doanh thu từ 100 triệu đồng một năm. Cá nhân có thu nhập từ tiền hoa hồng do livestream bán hàng phải nộp thuế thu nhập cá nhân theo biểu thuế lũy tiến từng phần với 7 bậc, thuế suất 5-35%. Trường hợp hoa hồng được trả cho hộ kinh doanh, họ sẽ phải khai nộp thuế theo mức 7%, gồm 5% thuế VAT và 2% thuế thu nhập cá nhân.
Tổng cục Thuế cho biết số thu thuế từ các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử đã tăng trưởng mạnh mẽ trong các năm gần đây. Cụ thể, năm 2022 đạt 83.000 tỷ đồng, năm 2023 tăng lên 97.000 tỷ đồng. Riêng 5 tháng đầu năm nay, số thuế từ hoạt động thương mại điện tử đã đạt trên 50.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, hoạt động bán hàng trên các trang mạng xã hội như Facebook, hay livestream bán hàng vẫn còn bị thất thu thuế. Do đó, các yêu cầu trên được ngành thuế đưa ra trong bối cảnh siết quản lý với thương mại điện tử, nhằm tránh thất thu thuế. Thời gian qua, nhiều tổ chức, cá nhân bán hàng online, gồm livestream bán hàng, bị kiểm tra, truy thu do chưa kê khai nộp thuế.
Riêng trong 6 tháng đầu năm, gần 43.000 doanh nghiệp, cá nhân được kiểm tra về khai, nộp thuế. Nhóm này đã nộp gần 9.980 tỷ đồng, tăng khoảng 3.480 tỷ so với cùng kỳ. Cơ quan thuế cũng xử lý 4.560 trường hợp vi phạm, truy thu và phạt gần 300 tỷ đồng.
Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ của ngành tài chính 6 tháng cuối năm vừa được tổ chức, ông Đặng Ngọc Minh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, cho biết ngành thuế đã xây dựng và tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu quản lý thuế đối với thương mại điện tử, đồng thời sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện nghĩa vụ thuế của các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh thương mại điện tử.
Theo ông Minh, Tổng cục Thuế cũng đã phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ TT&TT và các ngân hàng thu thập thông tin về 929 sàn giao dịch thương mại điện tử; 284 ứng dụng bán hàng trên mạng; 144 triệu tài khoản thanh toán của tổ chức, cá nhân; 130 tổ chức hoạt động trong lĩnh vực viễn thông, quảng cáo, phát thanh, truyền hình.
"Việc phối hợp với các bộ ngành, cơ quan và địa phương đã có tác động lớn đến công tác quản lý thuế của ngành thuế.
Thanh Hoa