Bộ Tài chính cho biết đang có sự khởi sắc cả về số thu thuế thuế thương mại điện tử và số lượng nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, kê khai nộp thuế tại Việt Nam.
Cụ thể, đến nay đã có 102 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, khai thuế và nộp thuế qua Cổng thông tin thương mại điện tử, đến từ Mỹ, Hà Lan, Hàn Quốc, Singapore, Hong Kong (Trung Quốc), Ireland, Thụy Sĩ, Australia, Anh. So với số liệu trước đó đã có thêm 26 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, kê khai, nộp thuế tại Việt Nam.
Các nhà cung cấp nước ngoài lớn đã kê khai, nộp thuế có thể kể đến như Google, Meta (Facebook), Microsoft, Netflix, Apple.
Đến nay đã có 102 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, khai thuế và nộp thuế qua Cổng thông tin thương mại điện tử. |
Tổng cộng đến nay đã có 383 sàn giao dịch thương mại điện tử trong và ngoài nước cung cấp thông tin trên Cổng, tăng 22 sàn so với cuối năm 2023.
Tổng số thuế từ các nhà cung cấp nước ngoài đã nộp qua Cổng 6 tháng đầu năm là 4.039 tỷ đồng, tăng 18,5% so cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, số thu chủ yếu đến từ những cái tên quen thuộc như: Meta, Google, Tiktok, Apple…
Bộ Tài chính cho biết, đến nay, những phiên livestream có doanh thu hàng trăm tỷ, thu nhập ra sao, dòng tiền qua ngân hàng nào, đã kê khai đóng thuế hay chưa…, tất cả những thông tin này của hơn 53.000 người đang kinh doanh trên 383 sàn thương mại điện tử đã được cơ quan thuế thu thập và quản lý.
Điển hình là tại Cục thuế TP Hà Nội, triển khai Đề án 06, việc khớp nối thông tin căn cước công dân và mã số thuế với tỷ lệ rà soát lên đến 99,8%. Nhờ đó, đã định danh được hàng trăm chủ sàn thương mại điện tử, hàng nghìn cá nhân, hộ kinh doanh qua mạng. Vì thế, số thu ngân sách 6 tháng đầu năm nay trong lĩnh vực thương mại điện tử của Hà Nội đã đạt trên 10.000 tỷ đồng. Trong đó, số thuế cá nhân đã nộp, bao gồm cả trường hợp livestream đã tăng 79%.
Ông Vũ Mạnh Cường, Cục trưởng Cục Thuế TP Hà Nội cho biết: "Trên cơ sở thực hiện Đề án số 06 và Chỉ thị 18 của Thủ tướng Chính phủ, cơ quan thuế đã kết nối được Căn cước công dân với mã số thuế, dữ liệu dòng tiền tài khoản ngân hàng, dữ liệu vận chuyển, dữ liệu nhân thân để xác định được chính xác dòng tiền, dòng hàng, xác định rõ nghĩa vụ thu ngân sách với cả người nộp thuế".
"Sau khi Bộ Tài chính, ngành thuế xây dựng Cổng thông tin thương mại điện tử cho nhà cung cấp nước ngoài. Đây là bước cải cách chuyển đổi số, nên các nhà cung cấp nước ngoài có thể trực tiếp kê khai, mà không phải thông qua các tổ chức trung gian nữa. Điều đó giúp cho các nhà cung cấp nước ngoài kịp thời tuân thủ nghĩa vụ của mình", ông Nguyễn Bằng Thắng, Cục trưởng Cục thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế thông tin.
6 tháng đầu năm nay, cơ quan thuế các cấp cũng đã đôn đốc, xử lý vi phạm về thuế trong thương mại điện tử trên 4.500 trường hợp, với số tiền là 297 tỷ đồng. Trung bình mỗi trường hợp bị phạt, truy thu khoảng 65 triệu đồng.
Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, liên quan đến hoạt động quản lý sàn thương mại điện tử, Bộ đã chủ trì, phối hợp quyết liệt với các bộ, ngành như Bộ Công Thương, Bộ Thông tin truyền thông, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Công an…
Bộ Tài chính kết nối cơ sở dữ liệu dân cư của Bộ Công an và chia sẻ với Bộ Công Thương 929 sàn thương mại điện tử và kiểm tra đối chiếu 361 sàn thương mại điện tử để thực hiện kết nối quản lý hạch toán truy thu.
Với Ngân hàng Nhà nước, Bộ cung cấp 144 triệu tài khoản, trong đó 10 triệu tài khoản của các tổ chức, 134 triệu tài khoản của cá nhân.
Về kết quả thực hiện, năm 2022, số đã thu được là 83.000 tỷ đồng và năm 2023 thu được 97.000 tỷ đồng.
Trên môi trường điện tử, Bộ Tài chính cho biết sẽ tập trung tại Hà Nội và TPHCM. "Chúng tôi đã có công văn đề nghị các tỉnh, cơ quan thuế thực hiện thu thuế trên sàn thương mại điện tử để đảm bảo công bằng", ông Phớc nói.
Thanh Hoa