Trong báo cáo vừa gửi Chính phủ, Bộ Tài chính cho biết, ngoài những nguyên nhân đã được Bộ tổng hợp tại báo cáo tháng 4 (sau khi tổng hợp kết quả kiểm tra của 5 Tổ công tác của Chính phủ tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương) gồm: khó khăn về cơ chế, chính sách; trình tự lập, thẩm định kế hoạch đầu tư công hàng năm; thẩm quyền quyết định thời gian bố trí vốn; trình tự, thủ tục điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm vốn ngân sách Nhà nước; vướng mắc trong công tác tổ chức thực hiện; còn một số tồn tại ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công
Tìm ra nguyên nhân, nhưng chưa có giải pháp hữu hiệu
Cụ thể, một số dự án phải điều chỉnh phương án kết cấu để đáp ứng yêu cầu phòng cháy chữa cháy của Bộ Công an; ảnh hưởng của xung đột Ukraine - Nga đến chuỗi cung ứng toàn cầu dẫn đến chậm nhập khẩu các vật tư, thiết bị kỹ thuật của một số dự án; đồng thời cũng làm tăng đột biến giá nhiên liệu, vật liệu và thiết bị đầu vào, gây ra khó khăn cho các nhà thầu.
Các cơ quan chức năng đã đưa ra nhiều giải pháp quyết tâm đạt 95% kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công trong năm nay. (Ảnh minh hoạ: Int) |
Đối với dự án đầu tư xây dựng tại các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài: Do có sự khác nhau giữa pháp luật sở tại và pháp luật Việt Nam nên công tác chuẩn bị đầu tư, công tác triển khai hồ sơ thiết kế thường kéo dài hơn rất nhiều so với dự án trong nước; tình hình lạm phát toàn cầu, biến động về tỉ giá quy đổi thanh toán giữa VND và USD ảnh hưởng trực tiếp đến dự toán gói thầu đã được phê duyệt và công tác lựa chọn nhà thầu tư vấn.
Có thể nói, giải ngân vốn đầu tư công luôn là bài toán trăn trở hàng năm. Giới chuyên gia nhận định, cần thiết có tính toán kỹ lưỡng về khả năng hấp thụ vốn đầu tư công để có những kế hoạch chính xác và chi tiết, tránh dẫn tới việc đưa ra kế hoạch rồi lại rơi vào ách tắc.
Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, vấn đề giải ngân vốn đầu tư công được nhiều đại biểu quan tâm. Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Đoàn Quảng Trị) nêu: “Vốn đầu tư công năm nay đã tăng lên gần 200.000 tỷ so với năm trước lên hơn 1 triệu tỷ đồng, nhưng vẫn nằm trong hệ thống ngân hàng. Đây là một vấn đề nhức nhối. Một quốc gia còn nghèo, luôn thiếu vốn cho đầu tư phát triển nhưng lại phải đối mặt với một nghịch lý tiền sẵn trong túi nhưng các thủ tục để tiến hành giải ngân đang bị ách lại, đó là vấn đề đáng lo ngại".
Quyết tâm đạt 95% kế hoạch bằng cách nào?
Trong khi đó, cũng có ý kiến cho rằng, Bộ Tài chính có thể linh hoạt, điều chuyển hơn 1 triệu tỷ đồng sang hỗ trợ cho người lao động, doanh nghiệp đang gặp khó khăn. Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế, TS Lê Xuân Nghĩa cho biết, trong hơn 1 triệu tỷ đồng "nằm không" tại hệ thống ngân hàng, phần lớn là tiền đầu tư công, vì vậy tốc độ "tiêu tiền" phụ thuộc vào tiến độ của giải ngân đầu tư công, có thể tháng này ít, tháng sau nhiều và tháng sau nữa nhiều hơn…
Do đó, khó có thể nói cả triệu tỷ đồng "nằm không" đó tại sao không thực hiện việc khác, bởi nếu chẳng may chi tiêu vì mục đích khác đến khi tiến độ đầu tư công gia tăng thì sao? Chưa kể, trong số hơn 1 triệu tỷ đồng này còn có dự phòng rủi ro ngân sách, tức là khoản dự phòng thiên tai, dịch bệnh… càng không thể điều chuyển được.
"Hiện, tồn đọng lớn nhất của giải ngân đầu tư công nằm ở thủ tục pháp lý liên quan đến giải phóng mặt bằng. Do đó, cần nhanh chóng gỡ vướng về thủ tục để giải ngân mạnh đầu tư công", ông Nghĩa kiến nghị.
Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, tinh thần chung là Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ vẫn quyết tâm phấn đấu đạt 95% kế hoạch của năm nay. "Đây là nhiệm vụ nhiều khó khăn, thách thức nhưng Chính phủ đang rất quyết tâm chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương phải thực hiện cho được", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Chí Dũng cũng nêu thực tế, cùng một mặt bằng pháp lý, cùng một điều kiện khó khăn như nhau, nhưng có bộ, ngành, địa phương làm rất tốt, tỷ lệ rất cao; song ngược lại cũng có bộ, ngành, địa phương làm không tốt, tỷ lệ rất thấp, trong đó có cả trách nhiệm của các cơ quan chủ quản đầu tư.
Để đẩy nhanh vấn đề này, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT nêu một số giải pháp: rà soát lại quy định pháp luật, trong đó có Luật Đầu tư công và các nghị định hướng dẫn, những khâu có thể đẩy nhanh và rút ngắn, sẽ kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; đẩy mạnh hoạt động của các tổ công tác; đẩy nhanh tiến độ công việc liên quan đến kiểm đếm, giải phóng mặt bằng; kịp thời rà soát, điều chuyển vốn dự án triển khai chậm sang dự án triển khai nhanh…
Về phía Bộ Tài chính cũng đưa ra đề nghị các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc các kết luận của các tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương; đặc biệt, các đơn vị cần khắc phục triệt để các nguyên nhân chủ quan làm chậm tiến độ giải ngân vốn.
Thanh Hoa