Tại tờ trình đề nghị xây dựng dự án Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) gửi Bộ Tư Pháp, Bộ Tài chính đã có những thay đổi xung quanh việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với đồ uống có đường và game online.
Cụ thể, đối với đề xuất bổ sung đồ uống có đường vào đối tượng chịu TTĐB, Bộ Tài chính cho biết có 74 ý kiến nhất trí và 26 ý kiến khác về sắc thuế này.
Trong dự thảo mới nhất, Bộ Tài chính vẫn đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường, trừ sữa và nước dinh dưỡng. |
Tuy nhiên, tại dự thảo luật lần này có một điểm mới là Bộ Tài chính sửa cụm từ “đồ uống có đường” thành “nước giải khát có đường theo Tiêu chuẩn Việt Nam” vào đối tượng chịu thuế TTĐB.
Theo đó, các mặt hàng như sữa, thực phẩm dạng lỏng dùng với mục đích dinh dưỡng, nước khoáng thiên nhiên và nước đóng chai, nước rau, quả và nectar (mật) rau, quả và sản phẩm từ cacao sẽ được loại trừ khỏi diện chịu thuế.
Trước đó, nhiều doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng liên quan đến sản xuất kinh doanh đồ uống và thực phẩm đã lên tiếng cho rằng khái niệm đồ uống có đường mà Bộ Tài chính đưa ra để đánh thuế TTĐB quá chung chung, phạm vi quá rộng. Chưa kể, quy định hiện nay không có định nghĩa thế nào là “đồ uống có đường”. Trong khi đề xuất của Bộ Tài chính có thể bao gồm cả nhiều loại sản phẩm là thực phẩm thiết yếu, tốt cho sức khỏe như sữa và các sản phẩm từ sữa, thực phẩm cho trẻ em, phụ nữ, người già, người bệnh… Vì vậy, các doanh nghiệp cho rằng việc áp dụng thuế TTĐB đối với các sản phẩm này sẽ tác động tiêu cực đến đời sống của mọi gia đình và sức khỏe của người dân.
Ngoài ra, Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu quy định cụ thể mức thuế suất thuế TTĐB đối với nước giải khát theo hàm lượng đường nhất định sau khi dự án Luật được đăng ký vào Chương trình xây dựng Luật của Quốc hội để khuyến khích doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu nước giải khát có hàm lượng đường thấp.
Đối với quá trình lấy ý kiến về đánh thuế TTĐB với game online, có 90 quan điểm nhất trí, 10 ý kiến khác (đề nghị cần có nghiên cứu, đánh giá tác động, bổ sung tính thuyết phục hơn hoặc đề nghị không đưa game online vào đối tượng chịu thuế TTĐB).
Cũng tại dự thảo này, Bộ Tài chính giữ quan điểm đánh thuế đối với game online do những tác hại của nó gây ra với sức khoẻ người chơi. Mục tiêu của việc đánh thuế này là nhằm hạn chế sản xuất và tiêu dùng các mặt hàng gây tác hại đến sức khoẻ và xã hội, cũng như điều tiết một số hàng hóa xa xỉ.
Hiện, doanh thu kinh doanh dịch vụ game online tại Việt Nam đang có sự tăng trưởng qua các năm: Năm 2019 đạt doanh thu gần 7.581 tỷ đồng, năm 2021 đạt 11.486 tỷ đồng, năm 2022 dự kiến đạt 12.000 tỷ đồng.
Thanh Hoa