Đề xuất bổ sung nước ngọt, trà, cà phê uống liền được đóng chai, hộp theo dây chuyền công nghiệp vào đối tượng chịu thuế thuế TTĐB của Bộ Tài chính đang nhận nhiều phản ứng từ DN, NTD và các bộ ngành.
Béo phì do uống nước ngọt?
Phản đối đề xuất đánh thuế TTĐB đối với đồ uống có đường như nước ngọt, trà, với thuế suất 10%, một số ý kiến cho rằng căn cứ Bộ Tài chính đưa ra chưa thuyết phục, cần đưa ra những thông tin đầy đủ và có tính thuyết phục hơn.
Tại Hội nghị khoa học: “Thừa cân béo phì ở người trưởng thành Việt Nam: Thực trạng và một số yếu tố nguy cơ”, một số chuyên gia đã dẫn kết quả nghiên cứu cho thấy hiện tượng thừa cân, béo phì ở người trưởng thành tại Việt Nam bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm chế độ ăn nhiều thức ăn động vật, tình trạng thiếu vận động thể lực và sử dụng rượu bia ở mức có hại.
Do vậy, các chuyên gia khẳng định, việc sử dụng nước ngọt quá nhiều chỉ là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng béo phì. Nếu chỉ nhìn một phía, có tính chất ép buộc theo cách nói của Bộ Tài chính là chưa thể thuyết phục.
Đặc biệt, nếu không có những khảo sát, đánh giá khách quan trên cả mặt tích cực và tiêu cực sẽ ảnh hưởng lớn đến DN, trong lĩnh vực sản xuất thức uống này và kể cả NTD cũng bị ảnh hưởng, do phải “gánh” thuế cao.
Theo một chuyên gia y tế, bất kỳ thức uống, thức ăn, hoặc thậm chí cả gia vị, nếu dùng nhiều, dùng quá mức thì đều không tốt cho sức khỏe. Ví dụ, nước mắm. Ăn nhiều nước mắm quá cũng không tốt cho sức khỏe.
Chẳng lẽ cũng tăng thuế đối với nước mắm? Hay như nhiều đường quá cũng gây bệnh tiểu đường, béo phì. Nếu nghĩ như vậy, sẽ phải đánh thuế TTĐB đối với đường?
Đến nay vẫn chưa có một nghiên cứu nào chính thống về việc người Việt Nam đang lạm dụng đồ uống hoặc thức ăn chứa nhiều đường. Hoặc những nghiên cứu riêng biệt trên những người béo phì hiện nay về nguyên nhân gây ra tình trạng trên có phải do họ thường xuyên uống nước ngọt, trà có đường hay không?
Nước ngọt sẽ bị đánh TTĐB 10% dựa trên tỷ lệ phần trăm giá bán từ năm 2019
Tác động tới người tiêu dùng
Một số ý kiến cho rằng, việc áp đánh thuế TTĐB đối với nước ngọt và trà có đường sẽ gây ra sự bất bình đẳng với một số đồ uống, thức ăn có đường. Chẳng hạn, bánh kẹo cũng được làm từ đường, hàm lượng đường trong bánh kẹo thậm chí còn cao hơn hàm lượng đường có trong 1 chai nước ngọt. Vậy, mục tiêu về sức khỏe cộng đồng sẽ không có sức thuyết phục.
Hiện nay, đề xuất nêu trên của Bộ Tài chính đang nhận được sự phản đối của hầu hết các DN sản xuất nước có đường, cũng như NTD và các bộ ngành.
Trong văn bản gửi Bộ Tài chính, VCCI phân tích, thuế TTĐB nước ngọt không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến NTD. Đặc biệt, nước ngọt là thức uống yêu thích của nhiều em nhỏ, khi thuế tăng giá thành sản phẩm sẽ tăng và nhiều gia đình ở nông thôn sẽ hạn chế mua.
Từ đó sẽ có tác động “dây chuyền” đến DN cung cấp nguyên liệu, là các nhà máy đường, người nông dân trồng cà phê, chè, trái cây…, doanh nghiệp sản xuất sản phẩm, ảnh hưởng đến nguồn thu thuế của Nhà nước.
Trong khi đó, Bộ NN&PTNT cũng đã có phản hồi về vấn đề này. Cơ quan này không phủ nhận việc sử dụng nhiều thức ăn đồ uống có đường sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Song bộ này cho hay cần phải có những nghiên cứu cụ thể về việc sử dụng liều lượng bao nhiêu thì có hại và cơ quan quản lý cần đưa ra những con số cụ thể. Khi có những tính toán khoa học thì mới có thể áp dụng hình thức với sản phẩm vượt ngưỡng cho phép thì nên đánh thuế TTĐB.
Bộ NN&PTNT đề xuất: “Không nên đưa trà và cà phê uống liền vào danh mục nhóm đồ uống có đường chịu thuế TTĐB. Bởi điều này sẽ ảnh hưởng tới chủ trương khuyến khích ngành công nghiệp chế biến nông sản để giúp nâng cao giá trị gia tăng và tạo thị trường tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, mà Chính phủ đang hướng tới”.
Không thể phủ nhận, thị trường nước ngọt, trà có đường thời gian qua phát triển mạnh. Nhiều thương hiệu nước ngoài cũng đổ bộ vào thị trường trong nước, tạo nên sự cạnh tranh khốc liệt. Vì vậy, nếu những mặt hàng này bị áp thuế TTĐB sẽ đẩy giá thành tăng cao, làm giảm sức cạnh tranh của DN nội.
Đồng thời, chính phủ cũng có thể thất thu thuế từ các sản phẩm thay thế khác có doanh thu tăng do được lợi từ việc NTD chuyển sang sử dụng những các sản phẩm thay thế này lại không bị đánh thuế.
Theo đánh giá của một số chuyên gia, việc xây dựng hay sửa đổi luật phải luôn đặt lợi ích của NTD lên hàng đầu, bởi đây chính là đối tượng chịu tác động chính.
Do vậy, trước khi soạn thảo cần có sự nghiên cứu đầy đủ, toàn diện hơn. Đặc biệt, đối với những sản phẩm thông thường đang được đông đảo người dân sử dụng một cách đại trà và tiêu thụ chủ yếu qua các kênh bán lẻ truyền thống, cần thận trọng trước khi quyết định điều chỉnh.
Thanh Hoa