Bộ Tài chính vừa công bố bản tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến góp ý của cơ quan, tổ chức, cá nhân về đề nghị xây dựng dự án Luật thuế thu nhập cá nhân (thay thế), với tổng số 64 ý kiến tham gia. Trong đó, giảm trừ gia cảnh là nội dung nhận được nhiều ý kiến góp ý nhất.
Theo đó, hàng loạt bộ, ngành, địa phương cùng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu tăng mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế và tăng mức giảm trừ đối với người phụ thuộc.
Cụ thể, Bộ Quốc phòng đưa ra đề nghị cụ thể là nâng mức giảm trừ gia cảnh đối với đối tượng nộp thuế từ 11 triệu đồng/tháng lên 17,3 triệu đồng/tháng; nâng mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc từ 4,4 triệu đồng/tháng lên 6,9 triệu đồng/tháng.
![]() |
Hàng loạt bộ, ngành, địa phương đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu tăng mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế và tăng mức giảm trừ đối với người phụ thuộc. |
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đề nghị nâng mức giảm trừ gia cảnh so với hiện nay để phù hợp với việc tăng chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế và mức tăng lương cơ sở từ ngày 1/7/2024; xây dựng mức giảm trừ gia cảnh theo vùng để phù hợp với chính sách tiền lương hiện nay (Nghị định số 74/2024 quy định mức lương tối thiểu theo 4 vùng).
UBND các tỉnh Ninh Thuận, Sơn La,... đề xuất bổ sung các khoản giảm trừ hỗ trợ chi phí giáo dục, y tế, nhà ở và các khoản đầu tư cho sự phát triển con người.
Ý kiến bạn đọc gửi tới Cổng thông tin điện tử Chính phủ cho rằng, điều kiện khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) thay đổi 20% mới điều chỉnh mứcgiảm trừ gia cảnh là không phù hợp với diễn biến mặt bằng giá cả tiêu dùng; đề xuất giao Chính phủ công bố và điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh hàng năm hoặc 2 năm mỗi lần, thay vì căn cứ vào mức biến động CPI. Ngoài ra, Bộ Tài chính nghiên cứu phương thức cho phép chia nhỏ các mức giảm trừ gia cảnh theo vùng (tương tự như 4 vùng áp dụng với lương tối thiểu vùng)...
Theo Bộ Tài chính, tại hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật thuế thu nhập cá nhân (thay thế) đã đặt ra đề xuất nghiên cứu, tính toán, điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh đảm bảo phù hợp với sự biến động của giá cả, sự gia tăng mức sống dân cư trong giai đoạn vừa qua cũng như dự báo cho thời gian tới đây, đồng thời không làm giảm vai trò của chính sách thuế thu nhập cá nhân trong hệ thống thuế.
Quy định về giảm trừ trước khi tính thuế đảm bảo nguyên tắc cá nhân cần phải có một mức thu nhập nhất định nhằm đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của cuộc sống như: ăn, ở, đi lại, học tập, khám chữa bệnh... Thu nhập trên ngưỡng này mới phải nộp thuế và cũng chỉ nộp thuế đối với phần thu nhập trên ngưỡng.
Bộ Tài chính cho biết, việc xác định mức giảm trừ gia cảnh căn cứ vào nhiều yếu tố. Trong đó, mức lương tối thiểu vùng chỉ là một căn cứ tham chiếu để xác định mức giảm trừ gia cảnh.
Tuy nhiên, mức lương tối thiểu vùng không chỉ có ý nghĩa bù đắp trượt giá mà còn có ý nghĩa nâng cao đời sống người lao động phù hợp với sự tăng trưởng của nền kinh tế, phân biệt mức sống, chi phí của người lao động ở các vùng khác nhau. Tại dự thảo hồ sơ đề nghị xây dựng luật đã đặt ra vấn đề này.
"Đây mới là khâu xây dựng đề cương nên chỉ tập trung làm rõ các vấn đề vướng mắc, bất cập cần sửa đổi, bổ sung. Các nội dung sửa đổi chi tiết và đánh giá cụ thể sẽ được Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất khi luật được đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội", Bộ Tài chính nêu.
Dự thảo luật này sẽ được đăng ký vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 và dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến vào tháng 10/2025, thông qua vào tháng 5/2026.
Thanh Hoa