Một lãnh đạo hội doanh nghiệp (DN) chia sẻ câu chuyện muốn ngỏ ý giới thiệu sản phẩm quần áo thời trang hiệu Việt khá nổi tiếng là A.P và V.T vào bán trong một số cửa hàng thuộc chuỗi siêu thị Robinson (thuộc Central Group – Thái Lan) ở Tp.HCM.
Tuy nhiên, đại diện siêu thị này từ chối khéo khi nói rằng “đường dây” của họ được cung cấp toàn cầu, làm sao sản phẩm Việt có giá và chất lượng cạnh tranh hơn được.
Đây là một dẫn chứng điển hình cho thấy sức cạnh tranh của hàng Việt, trong đó bản thân sản phẩm đã không mạnh. Mà nếu đã không mạnh thì dù bằng cách gì để vừa nâng đỡ vừa hạn chế sự tấn công của các sản phẩm ngoại từ các kênh bán lẻ hiện đại do khối ngoại sở hữu là cả bài toán nan giải.
“Bệ đỡ” của hàng ngoại
Từ chuyện nêu trên cũng nên nói thêm: việc khối ngoại thâu tóm kênh bán lẻ hiện đại cùng với đó là “bệ đỡ” để đưa những sản phẩm ngoại được “cung cấp toàn cầu” đang là nỗi ám ảnh với hàng Việt hiện nay khi “cánh cửa” bước vào càng lúc càng hẹp.
Chẳng hạn như Thái Lan, tính đến thời điểm hiện tại có 4 đại siêu thị được coi là lớn nhất Việt Nam, là Mega Market (tên gọi cũ là Metro) với 19 siêu thị, B’smart có 75 cửa hàng tiện lợi (định hướng mở 3.000 cửa hàng), Big C có 32 siêu thị, Robinson với chuỗi siêu thị thuộc DN Thái Lan, chưa kể Central Group nắm 49% cổ phần hệ thống siêu thị điện máy Nguyễn Kim…
Còn Nhật Bản thì có hệ thống đại siêu thị Aeon Mall, trung tâm thương mại Saigon Centre, hệ thống cửa hàng tiện ích như Family Mart, mới nhất là hệ thống 7-Eleven… Hàn Quốc thì gắn liền với tên tuổi của Lotte, Emart, mới đây nhất là SG25.
Nếu như trước đây, sản phẩm ngoại nhập từ Thái, Nhật, Hàn được người tiêu dùng (NTD) mua chỉ dưới 3%, thì đến nay, kết quả một cuộc khảo sát cho thấy đã tăng lên 8 – 10%. Thậm chí có những sản phẩm như bánh kẹo, đồ uống chiếm tỷ lệ 12 – 17%.
Nên biết, hệ thống bán lẻ là nhân tố quan trọng tạo được không gian để sản phẩm có thể tiếp cận, kết nối và từng bước chinh phục NTD. Và nó cũng chính là thách thức lớn cho hàng Việt trước những chuyển dịch mạnh trên kênh bán lẻ, từ áp lực của khối ngoại và xu hướng chuyển từ kênh bán lẻ truyền thống sang kênh bán lẻ hiện đại.
Đó cũng là vấn đề được đưa ra mổ xẻ tại buổi họp báo ở Tp.HCM ngày 30/1 do Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) tổ chức về việc công bố kết quả điều tra bình chọn HVNCLC năm 2018.
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN HVNCLC, bày tỏ lo lắng: “Phải thật sự nói chúng ta đã không quan tâm đến công cụ kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT) như cam kết trong WTO. Trong khi hệ thống siêu thị ngoại luôn có cách để lách luật. Họ không lấy một tên chung của một hệ thống siêu thị mà đi đến đâu, họ sẽ lập công ty riêng, mới. Còn trong nội bộ, họ quản lý như thế nào thì đó là những cam kết của họ với nhau”.
Sức cạnh tranh của hàng Việt bản thân sản phẩm đã không mạnh
Những “lỗ hổng”
Theo bà Hạnh, ai cũng biết là khối bán lẻ ngoại tìm cách để lách. Nếu như chúng ta kiên định để bảo vệ hệ thống phân phối trong nước thì cái cách “lách” đó cũng có thể đặt vấn đề về mặt nguyên tắc. Chúng ta không muốn họ “lách” thì phải có đội ngũ luật sư như thế nào để tham khảo các điều kiện quốc tế để nói chuyện với họ về mặt luật pháp.
Thực tế cho thấy không chỉ dừng lại ở việc thâu tóm, các nhà bán lẻ Thái, Nhật, Hàn còn chủ động thực hiện nhiều chương trình kích hoạt nhằm đánh động “xúc cảm” để thu hút và chinh phục NTD Việt.
Cùng với đó là sự hỗ trợ cần thiết và hiệu quả từ phía các cơ quan hữu trách của họ. Rõ ràng, như nhận định từ giới chuyên gia, trong cuộc đua trên thị trường bán lẻ Việt, sản phẩm của DN, quốc gia nào chinh phục được niềm tin của NTD đang trở nên thắng thế.
Điều đáng nói, một trong những vấn đề nổi cộm gần đây là “niềm tin của NTD vào thương hiệu Việt” có phần bị lung lay. Có những DN Việt làm ăn không minh bạch và thiếu chân chính, đã gây ảnh hưởng đến uy tín của hàng Việt trong lòng NTD, như trường hợp một chiếc khăn hai nhãn mác của thương hiệu Khaisilk.
Hay những thương hiệu Việt càng có uy tín trên thị trường lại phải đối diện với mức độ rủi ro nhiều hơn, bởi nạn hàng gian, hàng giả. Tất cả không còn chỉ là câu chuyện riêng lẻ của từng DN, từng vụ việc, mà đó còn là câu chuyện của các cơ quan quản lý, kiểm duyệt và của cả NTD. Niềm tin của NTD vào uy tín của hàng Việt bị xói mòn, sẽ càng tạo ra những “lỗ hổng”.
Ngoài ra, một điểm đáng chú ý từ kết quả khảo sát của HVNCLC năm 2018 cho thấy xu hướng chuyển dịch từ kênh bán lẻ truyền thống là chợ hoặc tiệm tạp hóa nhỏ lẻ, sang các kênh bán lẻ hiện đại.
Tỷ lệ NTD chọn mua sản phẩm ở chợ từ 31% vào năm 2016 đến nay giảm còn 10%. Tiệm tạp hóa nhỏ lẻ cũng đang xuất hiện xu hướng giảm (từ 17% năm 2017 đến đầu năm 2018 còn 9%).
Theo nhiều chuyên gia, xu hướng chuyển dịch này là tất nhiên và nguyên nhân chủ yếu là do sự tăng trưởng về độ phủ của các kênh bán lẻ hiện đại.
Chen chân vào “khoảng trống” chuyển dịch này là các sản phẩm ngoại nhập có xuất xứ Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc… đang từng ngày cạnh tranh giành niềm tin, chỗ đứng trong lòng NTD Việt. Đặc biệt phải kể đến chiến lược thâm nhập thị trường rất căn cơ của DN các nước này.
Thế Vinh