Vừa qua, Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), Bộ NN&PTNT thông báo đã nhận được thư của Bộ Nông lâm ngư nghiệp Nhật Bản (MAFF) thông báo chính thức mở cửa cho quả vải thiều Việt Nam xuất khẩu (XK) trực tiếp sang Nhật Bản kèm theo quy định về kiểm dịch thực vật có hiệu lực từ ngày 15/12/2019.
Nỗ lực mở rộng thị trường
Theo đó, các yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả vải thiều Việt Nam XK vào Nhật Bản bao gồm: quả vải thiều phải được trồng tại các vườn được Cục BVTV kiểm tra, giám sát và cấp mã số vùng trồng, đáp ứng quy định về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm của Nhật Bản; lô quả vải XK phải được đóng gói và xử lý xông hơi khử trùng bằng Methyl Bromide tại các cơ sở được Cục BVTV và MAFF công nhận với liều lượng tối thiểu là 32g/m3 trong thời gian 2 giờ dưới sự giám sát của cán bộ kiểm dịch thực vật Việt Nam và Nhật Bản; các lô quả vải thiều XK phải kèm theo Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật do Cục BVTV cấp.
Cục BVTV sẽ tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp (DN) XK và cơ sở xử lý khẩn trương hoàn tất các công việc chuẩn bị, tìm kiếm đối tác nhập khẩu để sớm XK lô quả vải thiều tươi đầu tiên sang Nhật Bản trong vụ vải năm 2020.
Trong niên vụ 2019, Việt Nam XK được khoảng hơn 100.000 tấn vải thiều. Đáng chú ý, lượng vải thiều XK sang những thị trường khó tính ngày càng tăng mạnh. Hiện, vải thiều Việt Nam đã được XK sang thị trường 30 nước.
Trung Quốc vẫn là quốc gia nhập khẩu lớn nhất với 90% tổng lượng XK qua đường chính ngạch, bên cạnh đó là các thị trường có tiêu chuẩn chặt chẽ như EU, Nga, Mỹ, Canada, Hàn Quốc...
Hiện, thương hiệu vải thiều Lục Ngạn ngoài được XK đi nhiều nước, còn đang được bảo hộ nhãn hiệu tại 8 quốc gia là Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc, Singapore, Lào, Campuchia.
Trong số 20 quốc gia đang trồng vải trên thế giới, Việt Nam đang xếp thứ 3 với sản lượng đạt 380.000 tấn/năm (sau Trung Quốc với hơn 2 triệu tấn/năm, Ấn Độ với 677.000 tấn/năm). Tuy nhiên, Việt Nam lại là quốc gia đứng thứ 2 về XK vải với 19% thị phần, đứng sau Madagascar với 35% thị phần.
Nhờ đẩy mạnh áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, chất lượng vải của Việt Nam được đánh giá thuộc loại tốt nhất thế giới. Đứng đầu là Bắc Giang với trên 28.000ha vải, sản lượng trên 90.000 tấn/năm.
Vải thiều Việt Nam đã chính thức được XK chính ngạch sang Nhật Bản |
Động lực thúc đẩy
Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, nhãn và vải đang là các loại cây ăn quả đóng góp đáng kể vào kim ngạch XK rau, quả của Việt Nam trong những năm gần đây. Nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật đã được đưa vào áp dụng trong sản xuất các loại quả đặc sản này của Việt Nam.
Thực tế, Nhật Bản là thị trường khó tính, đòi hỏi hàng hóa luôn phải có chất lượng cao. Việc quả vải Việt Nam được XK sang thị trường này được cho là có ý nghĩa rất lớn bởi ngoài việc khẳng định được uy tín của quả tươi Việt Nam còn giúp nâng cao giá trị XK quả vải, đồng thời tạo tiền đề để thúc đẩy sản xuất chất lượng cao với loại trái cây này.
Trên địa bàn tỉnh Bắc Giang hiện đã có 149 vùng trồng vải thiều được cấp mã số vùng trồng, phục vụ cho việc truy xuất nguồn gốc khi XK sang Trung Quốc.
Không chỉ trồng vải thiều theo cách truyền thống với các mô hình VietGAP, người nông dân còn liên kết với DN làm mô hình trồng vải thiều hữu cơ và đã thu được những thành công nhất định. Vải thiều hữu cơ giá xuất bán tại vườn lên tới 80.000 đồng/kg.
Trong những năm gần đây, nhờ mở rộng được thị trường, giá vải thiều luôn ổn định, không còn cảnh “giải cứu”. Bằng chứng rõ ràng nhất là mùa vải năm 2019, mặc dù là năm mất mùa vải, sản lượng giảm gần một nửa so với năm 2018, nhưng doanh thu từ vải thiều của Bắc Giang vẫn đạt 6.300 tỷ đồng, tăng 500 tỷ đồng so với năm 2018.
Khó khăn lớn nhất hiện nay của quả vải Việt Nam là khâu bảo quản do chủ yếu là bán sản phẩm tươi. Trong khi đó, trái vải tươi chỉ để được khoảng 3 ngày, nên để XK đi các nước có khoảng cách địa lý và thời gian vận chuyển dài phải vận chuyển bằng đường hàng không khiến giá thành sản phẩm cao, mặt khác tỷ lệ hao hụt lớn, chưa đạt được tối đa về lợi nhuận.
Ví dụ như, giá vải thiều bán sang Mỹ dự kiến khoảng 10 - 12 USD/kg, nhưng chi phí chiếu xạ mất khoảng gần 1 USD và chi phí vận chuyển 5 USD, tổng cộng là 6 USD, chưa tính chi phí sản xuất, thu hoạch.
Không chỉ với quả vải, công nghệ bảo quản sau thu hoạch là điểm yếu lớn của tất cả các loại quả tươi của Việt Nam gây hạn chế cho việc vận chuyển trái cây đi xa và XK. Vì vậy, để ngành trái cây Việt Nam nâng cao giá trị, cần các DN tham gia chế biến, từ đó đa dạng hóa được sản phẩm.
Vân Linh