Tại Bắc Giang – thủ phủ trồng vải của Việt Nam, sau gần một tuần thu hoạch vải thiều chín sớm, giá vải thiều đến nay bình quân 30.000 – 50.000 đồng/ kg, cao gấp hai lần so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là năm mà chất lượng vải thiều đạt cao nhất của tỉnh Bắc Giang.
Được mùa, được giá
Ông Dương Văn Thái, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, cho biết thời tiết năm nay thuận lợi, mưa thuận gió hòa cùng với việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, quy trình sản xuất an toàn, vải thiều sinh trưởng, phát triển tốt (quả to, vỏ đỏ đẹp hơn, chất lượng thơm ngon hơn…).
Năm nay, dự kiến tổng sản lượng vải thiều tiêu thụ trong nước khoảng 75.000 tấn, chiếm 50%; xuất khẩu (XK) 75.000 tấn, chiếm 50%. Trong đó, tỉnh Bắc Giang tiếp tục duy trì XK quả vải tươi và vải thiều chế biến.
Thị trường Trung Quốc vẫn được xác định là thị trường truyền thống, có quan hệ hợp tác nhiều năm qua (Bắc Giang đã đăng ký mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói và tem truy xuất nguồn gốc… để XK sang Trung Quốc theo chương trình hợp tác chính ngạch).
Đồng thời, tỉnh Bắc Giang tiếp tục XK vào các thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Malaysia, Singapore; mở rộng thị trường XK khác: Trung Đông, Thái Lan, Canada… Hiện nay, đã có nhiều doanh nghiệp (DN) đến các nhà vườn đăng ký thu mua vải thiều để XK.
Ông Đinh Văn Hưng, Chủ tịch Hội đồng thành viên công ty TNHH Xuất nhập khẩu thương mại Hùng Thảo, cho biết từ đầu vu, vải thiều sớm đến nay đã có gần 10 DN đến thăm các vườn vải để đánh giá chất lượng và ký hợp đồng. Hiện đã có 2 DN ký hợp đồng thu mua vải thiều sớm. Năm nay, DN có kế hoạch thu mua và XK khoảng 10.000 tấn vải, tăng 2.000 tấn so với năm 2018.
"Chúng tôi có những điểm cân và căng các băng rôn từng điểm thu mua cam kết rằng luôn ổn định giá cho bà con. Nếu hàng đạt tiêu chuẩn, đúng chất lượng, công ty lúc nào cũng cân cao hơn các điểm khác 3.000 – 5.000 đồng/kg. Các hộ trồng vải cũng cam kết với công ty là bảo đảm mặt hàng đủ tiêu chuẩn, chất lượng", ông Hưng cho biết. Đại diện DN phân phối, ông Trần Lâm Hồng, Phó Tổng Giám đốc Saigon Coop, cho hay năm nay, vải thiều Bắc Giang sẽ được đưa vào 700 điểm bán trong hệ thống phân phối tại 43 tỉnh, thành phố. Năm ngoái, DN thu mua khoảng 40.000 tấn, năm nay sẽ tăng thêm 25%.
Đặc biệt, riêng với thị trường Trung Quốc, Vụ Thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công Thương) dự báo sản lượng quả vải tại nội địa Trung Quốc năm nay giảm (sản lượng vải tại Quảng Đông – địa phương chiếm khoảng 50% tổng sản lượng vải Trung Quốc giảm khoảng 40% so với năm 2018).
Trước tình hình vải thiều Trung Quốc mất mùa, sản lượng giảm, Vụ Thị trường châu Á, châu Phi nhận định, với diễn biến giá cả và sản lượng thực tế năm 2019, giá vải bình quân tại thị trường nội địa Trung Quốc năm nay dự kiến sẽ cao hơn năm 2018. Đây sẽ là cơ hội để người nông dân trồng vải ở Bắc Giang, Hải Dương, Bắc Ninh… có một vụ mùa bội thu.
Mùa vải năm nay hứa hẹn bội thu, được mùa được giá |
Đẩy mạnh liên kết
Việc vụ vải năm nay hứa hẹn được mùa, được giá là tin vui với nhiều bà con nông dân. Tuy nhiên, để phát triển bền vững quả vải thiều cần phải làm nhiều việc. Ông Dương Văn Thái cho biết hiện nay, tỉnh Bắc Giang đã và đang khuyến khích thành lập DN, HTX, tổ liên kết sản xuất, tiêu thụ vải thiều (tại huyện Tân Yên có 1 HTX, Lục Ngạn có 11 HTX và trên 376 tổ liên kết), song vẫn thiếu tính liên kết giữa DN với các HTX, tổ liên kết trong thực hiện chuỗi liên kết ngay từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ.
Đồng thời, đại diện tỉnh Bắc Giang chia sẻ, tuy đã có một số liên kết giữa DN XK, các trung tâm thương mại, siêu thị với các DN, HTX, tổ liên kết sản xuất, tiêu thụ vải thiều, song cũng chưa mang tính đại trà.
Riêng với thị trường Trung Quốc, đã có một số thương nhân, DN thương thảo hợp đồng, thống nhất mã vùng trồng, cơ sở đóng gói, tem truy xuất nguồn gốc để chủ động đáp ứng yêu cầu XK vải thiều, nhưng vẫn còn tình trạng các thương nhân Trung Quốc giám sát, kinh doanh vải thiều, hình thức ký hợp đồng kinh tế với các HTX, DN cung ứng trên địa bàn tỉnh còn hạn chế… Thị trường tiêu thụ quả vải chưa mang tính bền vững.
Hơn nữa, vải thiều có tính mùa vụ cao, thời gian thu hoạch ngắn, nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp tối ưu bảo quản trong thời gian dài, công nghệ bảo quản chủ yếu là ướp lạnh tạm thời.
Trước thực tế trên, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng công tác chế biến là khâu quan trọng để gia tăng giá trị. Do vậy, các tỉnh có lợi thế phát triển quả vải thiều cần áp dụng khoa học công nghệ để nâng cao giá trị, đa dạng sản phẩm, đồng thời hình thành các HTX trong chuỗi giá trị, góp phần liên kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ.
Tham dự Diễn đàn kinh tế về sản xuất, tiêu thụ vải thiều và quảng bá các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Bắc Giang ngày 29/5 vừa qua, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị các bộ ngành hỗ trợ địa phương và các DN tiếp cận với công nghệ hiện đại nhằm bảo quản, chế biến vải thiều, đảm bảo thời gian để XK đến các thị trường tiềm năng.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu phối hợp thực hiện liên kết vùng, kết nối giao thương trong sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp nói chung, vải thiều nói riêng và các sản phẩm văn hóa, du lịch. Hỗ trợ cung cấp thông tin thị trường, nhu cầu của người tiêu dùng về mẫu mã, thị hiếu đối với quả vải và các loại nông sản.
Thy Lê