Cụ thể, các sản phẩm tôm chân trắng và tôm sú xuất khẩu ghi nhận tăng trưởng 2 con số, giá trị xuất khẩu tôm loại khác tăng trưởng 3 con số. Các sản phẩm tôm tươi/đông lạnh tăng trưởng mạnh hơn các sản phẩm tôm chế biến.
Về thị trường, Mỹ cùng Trung Quốc - Hồng Kông tiếp tục là hai thị trường lớn nhất của xuất khẩu tôm Việt Nam trong tháng đầu năm 2024. Xếp sau là Nhật Bản, EU, Hàn Quốc và một số quốc gia khác.
Trong đó, Trung Quốc và Hồng Kông tiếp tục là thị trường lớn nhất, chiếm 17,5% tổng tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam. Xuất khẩu tôm sang thị trường này trong tháng 1 tăng mạnh tới 275% so với cùng kì năm 2023 và mang về trị giá 42 triệu USD. Dự báo năm 2024, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc tiếp tục đón nhiều cơ hội nhờ nhu cầu lớn và những chính sách ưu tiên nhập khẩu của nước này.
Đứng thứ 2 là thị trường Mỹ (chiếm tỷ trọng 17%) với đà tăng trưởng tiếp nối giai đoạn những tháng cuối năm 2023. Dù được đánh giá là có thể bị ảnh hưởng bởi vụ điều tra chống trợ cấp của Mỹ nhưng con tôm Việt Nam xuất khẩu sang nước này trong tháng 1/2024 vẫn tăng 77% đạt 41 triệu USD.
Xuất khẩu tôm trong tháng 1/2024 đạt tổng trị giá 242 triệu USD. |
Xuất khẩu tôm sang Nhật Bản và Hàn Quốc cũng tăng trưởng lần lượt ở mức 30% và 21% đạt 37 triệu USD và 23 triệu USD. Sau khi liên tục sụt giảm trong năm 2023, xuất khẩu tôm sang EU đã ghi nhận tăng 22% đạt 30 triệu USD trong tháng đầu năm nay.
Xuất khẩu có mức tăng trưởng ấn tượng từ đầu năm là một tín hiệu tốt, các chuyên gia từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng xuất khẩu tôm Việt Nam sẽ có cơ hội phục hồi và tăng trưởng nhẹ trong năm 2024, với mức từ 10% đến 15% bởi kinh tế của các nước có nhu cầu tiêu thụ tôm dần hồi phục. Không chỉ vậy, do ảnh hưởng của chiến tranh, của biến động ở Trung Đông và chi phí vận chuyển cao nên Việt Nam sẽ có lợi thế hơn với nhóm thị trường có vị trí gần như Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc.
Tuy nhiên bên cạnh những kỳ vọng từ Bộ Nông nghiệp, VASEP cũng chia sẻ đối diện với bức tranh chung của thị trường và của ngành tôm năm 2024, đa số các doanh nghiệp đều nhìn thấy còn nhiều thách thức và khó khăn có nguy cơ làm chậm khả năng phục hồi sản xuất, xuất khẩu.
Một số vấn đề nổi cộm được đưa ra là lượng tồn kho nhiều, sức mua của thị trường vẫn yếu, giá mua thấp, giá chào bán của Việt Nam khá cao dẫn đến khó cạnh tranh với tôm Ấn Độ, Ecuador… Mặt khác, tại thị trường Mỹ, tôm Việt Nam đang đứng trước nguy cơ bị áp thuế chống trợ cấp.
Hiện các doanh nghiệp xuất khẩu tôm mong đợi một số những giải pháp từ Chính phủ, Bộ ngành những biện pháp để bình ổn chi phí nuôi tôm đầu vào nhằm giảm giá thành, tăng cường kiểm soát chất lượng con giống để đảm bảo các tiêu chuẩn nhập khẩu ngày càng khắt khe của những nước phát triển.
Bích Tâm