Xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc, chưa tận dụng được các cơ hội để mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước, các khu vực có ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA).
Số liệu cho thấy, 5 tháng đầu năm 2022, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 1,33 triệu tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, trị giá 578,14 triệu USD, tăng 2,2% về lượng và tăng 18,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Thị trường xuất khẩu sắn cần mở rộng, tránh tình trạng tập trung vào một thị trường như Trung Quốc. |
Số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Trung Quốc cũng cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2022, kim ngạch nhập khẩu sắn lát (mã HS 071410) của Trung Quốc đạt 795,21 triệu USD, tăng 30,1% so với cùng kỳ năm 2021. Thái Lan, Việt Nam và Lào là 3 thị trường cung cấp sắn lát lớn nhất cho Trung Quốc trong 4 tháng đầu năm 2022. Việt Nam là thị trường đứng thứ 2 trong việc cung cấp sắn lát và tinh bột sắn cho Trung Quốc.
Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, với sắn và các sản phẩm từ sắn, hiện nay, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam, chiếm từ 90-94%, còn lại là các thị trường như Hàn Quốc, Đông Nam Á, Đài Loan, Nhật Bản... Tình trạng phụ thuộc gần như hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc dẫn đến sự bị động, thiếu bền vững.
“Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ sắn và sản phẩm từ sắn của Việt Nam có nhiều khâu trung gian, chi phí logistics của Việt Nam cao nên tính cạnh tranh quốc gia thấp; hiện phải canh tranh gay gắt về thị trường xuất khẩu từ các nước Thái Lan, Campuchia, Lào”, ông Nguyễn Như Cường nói.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo, năm 2022, Trung Quốc sẽ có nhu cầu nhập khẩu sắn lớn hơn nữa và sẽ nhập khẩu nhiều hơn sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam do điều kiện địa lý thuận lợi.
Tuy nhiên, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn sang Trung Quốc sắp tới sẽ gặp nhiều khó khăn vì hàng loạt quy định, tiêu chuẩn mới được Tổng cục Hải quan Trung Quốc ban hành và áp dụng từ đầu năm 2022. Trung Quốc không chỉ yêu cầu về bao bì, mẫu mã, mà còn yêu cầu về nội dung hồ sơ... Điều này cho thấy việc xuất khẩu vào thị trường này không còn đơn giản như trước kia, buộc doanh nghiệp phải thay đổi để thích ứng với quy định mới trong xuất khẩu nông sản, thực phẩm.
Bộ NN&PTNT cùng các cơ quan chức năng, Hiệp hội Sắn Việt Nam cũng đang nghiên cứu để nâng cao chất lượng sắn xuất khẩu sang các thị trường khác, đặc biệt là thị trường EU nhiều tiềm năng.
Đ.A