Đây là tín hiệu vui cho ngành sắn bởi trước đó, mới đầu tháng 3/2022 các doanh nghiệp Hiệp hội sắn Việt Nam đã phải kêu cứu vì công văn 632 của Tổng cục thuế đưa ra quy định hoàn thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng tinh bột sắn, khiến cho các doanh nghiệp sắn đứng trước ngưỡng cửa lao đao phá sản.
Theo tin mới nhất từ Tổng cục Thống kê, ước tính trong tháng 03/2022, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt khoảng 450 nghìn tấn, trị giá 202 triệu USD, tăng 80,6% về lượng và tăng 97,1% về trị giá so với tháng 2/2022; và tăng 51% về lượng và tăng 79,1% về trị giá so với tháng 03/2021.
Ước tính trong tháng 3/2022, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt khoảng 450 nghìn tấn tăng hơn 80% cả về lượng và trị giá so với tháng 2/2022. |
Lũy kế 3 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn ước tính đạt khoảng 970 nghìn tấn, trị giá 420 triệu USD, giảm 0,6% về lượng, nhưng tăng 15,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Hiện Trung Quốc đang là thị trường nhập khẩu sắn và tinh bột sắn lớn nhất của Việt Nam với khoảng 95% tổng sản lượng xuất khẩu. Đặc biệt, trong năm 2022 được dự báo đất nước tỉ dân này sẽ nhập khẩu sắn với số lượng lớn ở nước ta do điều kiện địa lý thuận lợi, đặc biệt là do sau đợt dịch tả Châu phi, ngành chăn nuôi heo đang dần phục hồi lại, nên sắn và các tinh bột sắn là thức ăn chủ yếu của heo khiến cho nhu cầu nhập khẩu sắn dự báo sẽ lên cao.
Mặc khác, bắt đầu từ tháng 1/2022, việc Trung Quốc chính thức trở thành thành viên của Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), là bài toán thách thức với các doanh nghiệp cung cấp sắn ở Việt Nam. Bởi lẽ, sau khi RCEP có hiệu lực, hàng hóa thương mại giữa các thành viên của hiệp định này sẽ được hưởng thuế gần như bằng 0, việc cạnh tranh hàng hóa đòi hỏi về an toàn chất lượng, giá trị và sự chuyên nghiệp của các nước là rất cao.
Nguyễn Quế