Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong 20 ngày đầu tháng 4/2022, một số nhà máy tinh bột sắn nghỉ vụ sớm do thiếu nguyên liệu. Giá tinh bột sắn nội địa và giá sắn lát xuất khẩu sang Trung Quốc có xu hướng tăng. Tình hình dịch COVID-19 tại một số khu vực biên giới của Trung Quốc tiếp giáp với Việt Nam vẫn diễn biến phức tạp, tốc độ thông quan chậm tại một số cửa khẩu biên giới phía Bắc vẫn chậm.
Lượng sắn và các sản phẩm từ sắn xuất khẩu của Việt Nam từ năm 2020 đến nay (đơn vị: nghìn tấn). |
Năm 2021, diện tích sắn trên cả nước đạt khoảng 528.000 ha (giảm khoảng 40.000 ha so với năm 2015). Chủ yếu tập trung tại 5 vùng chính gồm: Trung du miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Trong đó, Tây Nguyên có diện tích sắn lớn nhất cả nước 172,5 nghìn ha, chiếm 32,7% diện tích sắn của cả nước, tập trung tại các tỉnh Gia Lai (81.000 ha), Đắk Lắk (45.000 ha), Kon Tum (48,8ha). Năng suất bình quân cả nước đạt 20,3 tấn/1ha, tăng 1,4 tấn/1 ha so với năm 2015. Sản lượng sắn cả nước đạt 10,7 triệu tấn, trong đó có 2,9 triệu tấn sắn được xuất khẩu, thu về gần 1,2 tỷ USD, tăng 2,4% so với năm 2020.
Trong nhiều năm gần đây, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu sắn tăng đều đặn. Hiện nay, sắn và sản phẩm sắn là một trong 13 sản phẩm nông sản xuất khẩu của Việt Nam. Cục Xuất nhập khẩu đánh giá dư địa phát triển cho ngành sắn còn rất lớn ở cả thị trường xuất khẩu lẫn thị trường trong nước, bởi hiện nay tiêu thụ sắn và sản phẩm sắn trong nước mới chỉ chiếm khoảng 30%. Trong khi đó, nước ta lại đang phải nhập khẩu khá nhiều nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu dùng trong công nghiệp chế biến thực phẩm.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tháng 3/2022, Việt Nam xuất khẩu được 447,01 nghìn tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, trị giá 198,61 triệu USD, tăng 79,4% về lượng và tăng 94% về trị giá so với tháng 01/2022; So với tháng 3/2021 tăng 50% về lượng và tăng 76,2% về trị giá. Giá xuất khẩu bình quân sắn và các sản phẩm sắn ở mức 444,3 USD/tấn, tăng 8,2% so với tháng 02/2022 và tăng 17,5% so với tháng 3/2021. Tính chung quý I/2022, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 956,76 nghìn tấn, trị giá 413,05 triệu USD, giảm 2% về lượng nhưng tăng 13,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Tháng 3/2022, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn sang Trung Quốc chiếm 90% tổng lượng sắn và các sản phẩm từ sắn của cả nước, với 402,43 nghìn tấn, trị giá 179,81 triệu USD, tăng 72,2% về lượng và tăng 88,6% về trị giá so với tháng 02/2022; so với tháng 3/2021 tăng 44,4% về lượng và tăng 72,1% về trị giá. Tính chung quý I/2022, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn sang Trung Quốc 889,03 nghìn tấn, trị giá 382,28 triệu USD, giảm 4,6% về lượng, nhưng tăng 11,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Các con số trên cho thấy, ngành sắn vẫn đang phụ thuộc phần lớn vào thị trường Trung Quốc. Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) đánh giá dù là ngành hàng xuất khẩu thu về cả tỷ USD mỗi năm, song ngành sắn còn không ít hạn chế gây ảnh hưởng tới sự phát triển của ngành. Để tiêu thụ sắn và sản phẩm từ sắn của Việt Nam cần nhiều khâu trung gian, chi phí logistics cao nên phải cạnh tranh gay gắt về thị trường xuất khẩu với các nước Thái Lan, Campuchia, Lào…
Dự báo năm 2022, Trung Quốc sẽ có nhu cầu nhập khẩu lớn hơn nữa và sẽ nhập khẩu nhiều hơn sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam do điều kiện địa lý thuận lợi. Tuy nhiên, ông Hòa lo ngại rủi ro cho người nông dân ở chỗ xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn sang Trung Quốc sắp tới sẽ gặp nhiều khó khăn vì hàng loạt quy định, tiêu chuẩn mới mà phía thị trường này đưa ra.
Tuy vậy, cũng có một thông tin tích cực là trong 3 tháng đầu năm 2022, Việt Nam là thị trường lớn thứ 2 cung cấp tinh bột sắn cho Hàn Quốc. Tuy nhiên, tại thị trường này, sắn và tinh bột sắn của Việt Nam đang phải cạnh tranh mạnh với sắn và tinh bột sắn của Thái Lan.
Thy Lê