Cụ thể, Hiệp hội Sắn Việt Nam cho biết, khu vực Bắc Trung bộ – Duyên hải miền Trung có 21 nhà máy, nhưng chỉ tính riêng nguyên liệu cho sản xuất tinh bột đã thiếu 0,4 triệu tấn, chưa kể nhu cầu làm sắn lát cho thức ăn chăn nuôi và sản xuất cồn.
Mất cân đối cung – cầu
Khu vực Trung du – miền núi phía Bắc có 14 nhà máy, nguyên liệu thiếu 0,064 triệu tấn. Khu vực miền Trung – Tây Nguyên có diện tích sắn toàn vùng đạt 155 nghìn ha (chiếm 29,81% diện tích sắn toàn quốc); sản lượng ước đạt trên 2,74 triệu tấn củ tươi (chiếm 30,99% tổng sản lượng sắn toàn quốc). Tổng cộng có 20 nhà máy, thiếu nguyên liệu 0,6537 triệu tấn.
Khu vực Đông Nam bộ – Tây Ninh là vùng có năng suất trung bình cao nhất toàn quốc đạt 22,34 tấn/ha. Diện tích sắn toàn vùng đạt 90,31 nghìn ha (chiếm 17,37% diện tích toàn quốc). Sản lượng đạt hơn 2,017 triệu tấn củ tươi (chiếm 22,81% tổng sản lượng). Tổng cộng có 65 nhà máy nhưng thiếu tới 5,661 triệu tấn nguyên liệu.
Hiệp hội Sắn cho biết, với mức sản lượng sắn củ tươi đạt được của 4 vùng trên về cơ bản là không đủ đáp ứng nhu cầu sản xuất của các nhà máy trong vùng, có thể nói là mất cân đối nghiêm trọng.
Nguyên nhân là do phần lớn các nhà máy đều không đầu tư vùng nguyên liệu mà chủ yếu thu mua từ nông dân, dẫn đến tình trạng cạnh tranh quyết liệt, thậm chí tạo ra xung đột gay gắt trong việc thu mua nguyên liệu, ảnh hưởng trực tiếp tới người trồng sắn cũng như đẩy chi phí lên cao, tác động đến yếu tố cạnh tranh quốc gia trong khu vực.
"Từ việc đầu vào quy hoạch không đồng bộ, tăng số lượng nhà máy cũng như tăng công suất sản xuất quá nhanh làm phá vỡ quy hoạch vùng nguyên liệu, cho tới việc đầu ra hoàn toàn phụ thuộc vào Trung Quốc (90% xuất khẩu sang Trung Quốc và giao dịch tiểu ngạch chiếm lợi thế) dẫn tới việc gặp khó khăn khi Trung Quốc siết chặt giao dịch thương mại biên mậu", Hiệp hội Sắn đánh giá.
Liên quan tới đầu ra của ngành sắn phụ thuộc thị trường Trung Quốc, Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho biết năm 2018, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn sang Trung Quốc đạt 2,15 triệu tấn, trị giá 844,31 triệu USD, giảm 38,3% về lượng và giảm 7,3% về trị giá; giá xuất khẩu bình quân ở mức 392,9 USD/tấn, tăng 50,4% so với năm 2017.
Ngành sắn đang mất cân đối nghiêm trọng cung – cầu |
Cần phải có quy hoạch
Năm 2018, xuất khẩu sắn gặp nhiều khó khăn do bị ảnh hưởng bởi Trung Quốc xả kho dự trữ ngô sử dụng cho thức ăn chăn nuôi và ngành công nghiệp, khiến giá ngô tại Trung Quốc trở nên cạnh tranh hơn với các sản phẩm thay thế là sắn lát nhập khẩu; tỷ giá giữa NDT/VND giảm do đồng NDT tiếp tục mất giá so với đồng USD, gây bất lợi cho các giao dịch xuất khẩu qua kênh biên mậu.
Đặc biệt, nhu cầu nhập khẩu từ Trung Quốc giảm do nước này tăng nhập khẩu sắn chính ngạch từ Thái Lan. Đồng thời, Trung Quốc áp dụng nghiêm ngặt các quy định về nhãn mác bao bì, thông tin sản phẩm tinh bột sắn Việt Nam nhập khẩu qua các cửa khẩu tiếp giáp với tỉnh Quảng Tây của nước này.
Cục Xuất Nhập khẩu dự báo, trong 6 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu sắn vẫn gặp khó khăn, nhất là xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Do đó, doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ thị trường, đặc biệt là những quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, đóng gói bao bì trước khi xuất khẩu sang Trung Quốc.
Trước những khó khăn trên, Hiệp hội Sắn Việt Nam kiến nghị Bộ NN&PTNT đề nghị phía Trung Quốc thống nhất chung quy ước ghi thông tin sản phẩm trên bao bì để thuận lợi cho việc kiểm tra, giám sát và thông quan hàng hóa tại hai đầu cửa khẩu Việt Nam – Trung Quốc. Đề nghị Bộ NN&PTNT sớm xác nhận và có công hàm đề nghị phía Hải quan Trung quốc cũng như Hải quan Nam Ninh chấp thuận cho các đơn vị còn lại được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc (ngoài 66 doanh nghiệp đã được cấp phép).
Đặc biệt, Bộ NN&PTNT và các sở địa phương cần phối hợp với Hiệp hội Sắn Việt Nam để định hướng và quản lý quy hoạch. Có văn bản định hướng lại quy hoạch cân đối và hợp lý giữa việc phát triển vùng nguyên liệu gắn với việc đầu tư mới các nhà máy chế biến nhằm tránh phát triển nóng, chồng chéo dẫn đến cạnh tranh.
Trước kiến nghị trên, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT yêu cầu Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản rà soát công suất của các nhà máy, dựa trên cơ sở đó có văn bản gửi các địa phương về vấn đề mở các nhà máy mới.
Hơn nữa, nhằm định hướng ngành sắn không đi theo vết xe đổ như ngành mía đường, hồ tiêu, Bộ NN&PTNT giao Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản phối hợp với Hiệp hội Sắn xây dựng đề án tái cơ cấu lại ngành để có định hướng giống, vùng trồng, nhà máy sản xuất và tiêu chí kỹ thuật, tránh tình trạng trồng ồ ạt khiến giá cả khó cạnh tranh.
Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cần tăng cường thông tin truyền thông để nông dân, thương lái, doanh nghiệp biết để có kế hoạch phát triển.
Thy Lê