Số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, trong tháng 1/2022, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt mức rất cao: 1,549 tỷ USD, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2021. Gỗ và sản phẩm gỗ nằm trong 7 nhóm hàng xuất khẩu đạt kim ngạch hơn 1 tỷ USD trong tháng đầu năm và nằm trong top 3 nhóm hàng có sự tăng trưởng 2 con số (đứng thứ hai sau nhóm hàng dệt may).
Kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 1/2022 lần thứ ba vượt qua mốc 1,5 tỷ USD/tháng (Ảnh: TL) |
Đây là lần thứ ba từ trước đến nay, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vượt mốc 1,5 tỷ USD/tháng. Lần đầu tiên là vào tháng 3/2021, đạt 1,512 tỷ USD; lần thứ hai là tháng 6/2021, đạt 1,55 tỷ USD.
Trước đó, năm 2021, gỗ và sản phẩm gỗ tiếp tục đứng thứ 6 về kim ngạch xuất khẩu hàng hóa/nhóm hàng hóa của Việt Nam, đạt 14,809 tỷ USD, tăng 19,7% so với năm 2020. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 11,073 tỷ USD, tăng 16,1% so với năm 2020, chiếm 74% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.
Theo dự báo, năm 2022, kinh tế toàn cầu dần phục hồi tăng trưởng sau đại dịch COVID-19, sức tiêu thụ hàng hóa tăng lên, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam tăng, cộng với sự chủ động về công nghệ sản xuất và nguyên liệu gỗ đầu vào sẽ là động lực cho hoạt động xuất khẩu toàn ngành gỗ của Việt Nam đạt tăng trưởng trên 20%. Trong khi đó, ngành lâm nghiệp đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu lâm sản cả năm 16 tỷ USD, với sự đóng góp chủ yếu từ gỗ và sản phẩm gỗ.
Ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia của Tổ chức Forest Trends đánh giá, trong những năm qua, kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ luôn tăng trưởng ở mức 2 con số. Là một trong 5 ngành mang lại giá trị xuất khẩu lớn nhất cho Việt Nam, tuy nhiên ngành gỗ cũng đối mặt với thách thức không nhỏ từ nguồn cung nguyên liệu.
Thống kê cho thấy, mỗi năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 6 triệu m3 gỗ quy tròn. Lượng gỗ này được đưa vào chế biến làm hàng xuất khẩu và tiêu dùng nội địa. Lượng gỗ ít rủi ro chiếm tỷ trọng khoảng 2/3 trong tổng lượng nhập khẩu, phần còn lại là gỗ rủi ro. Năm 2021, kim ngạch nhập khẩu gỗ nguyên liệu tăng 14,5%, đạt 2,928 tỷ USD.
Trong khi đó, giá gỗ nguyên liệu nhập khẩu tăng liên tục trong thời gian gần đây. Giá gỗ nhập khẩu tăng (cùng với các loại chi phí đầu vào sản xuất khác) làm tăng giá thành sản xuất. Hiện, giá gỗ nhập khẩu chưa có dấu hiệu hạ nhiệt; đồng thời sự khan hiếm về container làm chậm thời gian giao hàng.
Phương Linh