Mục tiêu đặt ra là tiếp tục triển khai thực hiện cơ cấu lại ngành lâm nghiệp theo chuỗi và nâng cao giá trị gia tăng ngành lâm nghiệp, huy động tối đa các nguồn lực xã hội.
Không chỉ tập trung xuất khẩu gỗ mà cần phát triển các loại cây dược liệu. |
Cụ thể, trong giai đoạn 2021 - 2025, tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp từ 5,0% - 5,5%/năm. Giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản ngoài gỗ đạt 18 - 20 tỷ USD; tiêu thụ lâm sản thị trường trong nước đạt 5 tỷ USD vào năm 2025.
Nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng; sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng tập trung đạt 35 triệu m3/năm vào năm 2025; đáp ứng cơ bản nhu cầu nguyên liệu cho chế biến gỗ và lâm sản; chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt trên 0,5 triệu ha giai đoạn 2021 - 2025.
Đặc biệt liên quan tới lâm sản ngoài gỗ, Tổng cục Lâm nghiệp cho biết sẽ đẩy mạnh gây trồng, sử dụng, chế biến sâu các sản phẩm lâm sản ngoài gỗ, tập trung vào các nhóm sản phẩm có thế mạnh, có giá trị kinh tế trên cơ sở phát huy lợi thế của các vùng, miền như: mây tre, dược liệu, dầu nhựa, thực phẩm, các chế phẩm hữu cơ. Có cơ chế, chính sách để chủ rừng được quản lý, khai thác, phát triển và sử dụng bền vững, lâm sản ngoài gỗ.
Về việc phát triển kinh tế dưới tán rừng, Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan cũng đặt ra vấn đề hiện nay là bà con dân tộc trồng dược liệu phải phụ thuộc thương lái Trung Quốc với giá rẻ? Làm sao để bà con có cuộc sống ấm no trên mảnh đất của mình sinh sống.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ câu chuyện vừa qua khi đi công tác ở Phần Lan đã được tiếp cận với khái niệm rừng đa dụng: không tiếp cận rừng với tư duy gỗ mà tích hợp đa giá trị, người dân có cuộc sống ấm no từ rừng.
"Đã đến lúc chúng ta cần nghĩ khác, nghĩ mới và nghĩ lớn hơn. Chứ trồng dược liệu hiện còn phân tán, tự phát, chưa tạo lập thành chuỗi giá trị dưới tán rừng", Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nêu vấn đề.
"Bộ NN&PTNT khuyến nghị người nông dân, doanh nghiệp, HTX, chuyên gia, cơ quan quản lý "cùng nắm tay nhau để mở cánh cửa rừng". Phải chủ động tạo ra thị trường, chứ không để bà con sản xuất xong rồi phụ thuộc thương lái. Sản phẩm phải được đầu tư bao bì, chứng nhận xuất xứ, truy xuất nguồn gốc, công nghệ chế biến...
Trong kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, Tổng cục Lâm nghiệp cũng đặt ra yêu cầu phát triển các hình thức liên kết giữa các thành phần kinh tế, kinh tế hợp tác, kinh tế chia sẻ trong lâm nghiệp, tăng cường phát triển hợp tác phát triển lâm nghiệp giữa doanh nghiệp và người trồng rừng; kết nối các hội, hiệp hội ngành hàng, nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp, hợp tác xã và người làm nghề rừng; phát triển sản xuất kinh doanh đa dạng, gắn trồng rừng với công nghiệp chế biến và thương mại lâm sản theo chuỗi giá trị.
Đồng thời, tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty lâm nghiệp; phát triển lâm nghiệp hộ gia đình, trang trại, cộng đồng thôn bản và hợp tác xã; chuyển đổi cơ cấu cây trồng; phát triển nông lâm kết hợp.
Theo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), giá trị xuất khẩu lâm sản năm 2021 đạt khoảng 15,87 tỷ USD (gỗ và sản phẩm gỗ 14,72 tỷ USD; lâm sản ngoài gỗ đạt 1,15 tỷ USD), tăng 20% so với kế hoạch năm, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Năm 2022, ngành lâm nghiệp đặt mục tiêu xuất khẩu lâm sản đạt 16 tỷ USD.
Thy Lê