Cụ thể, trên thị trường xuất khẩu, trong phiên giao dịch cuối tuần qua giá gạo 5% tấm và 25% tấm của Việt Nam đã được điều chỉnh tăng nhẹ 5 USD/tấn. Theo đó, gạo 5% tấm hiện đã vượt mức 400 USD/tấn và ở mức 403-407 USD/tấn; gạo 25% tấm 378-382 USD/tấn.
Gạo 100% tấm ổn định ở mức 338-342 USD/tấn và Jasmine ở mức 518-522 USD/tấn
Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, lượng gạo xuất khẩu trong năm nay dự kiến ở mức trên 6 triệu tấn và có thể đạt 6,3 triệu tấn. |
Mới đây, Reuters dẫn lời một thương nhân tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: "Xuất khẩu sang Trung Quốc dự kiến sẽ tăng do Trung Quốc đang mở lại biên giới với Việt Nam sau giai đoạn hạn chế chống Covid-19. Mặt khácc, xung đột ở Ukraine đang diễn ra có thể khiến người mua nhập khẩu nhiều gạo hơn từ châu Á, trong đó có Việt Nam".
Theo Bloomberg, giá gạo đã tăng lên tới 16,89 USD/100 pound, mức cao nhất kể từ tháng 5/2020. Giá ngũ cốc chủ lực cũng đang hướng tới mức tăng 11% theo tuần, cao nhất kể từ năm 2018.
Ông Arlan Suderman, nhà kinh tế trưởng về thị trường hàng hoá tại tập đoàn tài chính StoneX, nhận định: “Mọi người đều đang cố gắng mua các loại tinh bột mà họ có thể do nguồn cung lúa mì trên thị trường thế giới đang bị thắt chặt, nhu cầu sẽ chuyển sang gạo để thay thế đáp ứng nguồn cung lương thực cho mọi người".
Trong báo cáo mới nhất, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã dự báo sản lượng gạo toàn cầu năm 2021/22 sẽ đạt mức kỷ lục 509,9 triệu tấn, tăng 2,6 triệu tấn so với sản lượng năm trước.
So với niên vụ 2020/21, dự báo sản lượng năm 2021/22 ở Australia, Bangladesh, Campuchia, Trung Quốc, Bờ Biển Ngà, Ấn Độ, Indonesia, Lào, Nigeria, Paraguay, Senegal, Hàn Quốc, Tanzania và Thái Lan chiếm phần lớn mức tăng sản lượng toàn cầu. Trong đó, đặc biệt tăng mạnh ở Australia, Bangladesh, Trung Quốc, Ấn Độ và Thái Lan.
Theo thông tin từ Tổng cục Hải quan, từ đầu năm đến 15.2, cả nước đã xuất khẩu được 647.763 tấn gạo, tăng 36,2% so với cùng kỳ năm trước với kim ngạch gần 314 triệu USD, tăng 19,6%.
Thông tin về tiềm năng xuất khẩu gạo trong năm 2022, Bộ Công Thương cho biết vẫn giữ được các thị trường tiềm năng nêu trên. Đặc biệt, mới đây, Tổng Công ty Thương mại nông thủy sản và lương thực Hàn Quốc (aT) đã thông báo hạn ngạch thuế quan nhập khẩu mặt hàng gạo và kế hoạch các đợt đấu thầu nhập khẩu gạo trong năm 2022. Theo đó, 55.112 tấn gạo của Việt Nam sẽ được hưởng thuế suất ưu đãi 5%, thấp hơn rất nhiều mức thuế suất áp dụng cho khối lượng gạo nhập khẩu ngoài hạn ngạch là 513%.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), lượng gạo xuất khẩu trong năm nay dự kiến ở mức trên 6 triệu tấn và có thể đạt 6,3 triệu tấn. Trong năm nay, Việt Nam sẽ tiếp tục khai thác những lợi thế từ Hiệp định EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu gạo sang EU, với khối lượng sẽ không dưới 60.000 tấn, bởi chất lượng gạo Việt Nam đã có sự thay đổi trong con mắt các nhà nhập khẩu.
Trà My