Trên thị trường thế giới hiện nay, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đang được giao dịch ở mức từ 395-405 USD/tấn, gạo 25% tấm ổn định ở mức 378-382 USD/tấn; gạo 100% tấm ở mức 328-332 USD/tấn và gạo Jasmine 563-567 USD/tấn. Đây là mức giá được cho là “được giá” so với trước đây, đang ngang ngửa với đối thủ Thái Lan.
Giá gạo ổn định ở mức cao
Giá gạo 5% tấm của Thái Lan nhỉnh hơn một chút với giá gạo Việt, tăng lên từ 407-410 USD/tấn, mức cao nhất kể từ giữa tháng 7/2021, so với mức từ 404-405 USD/tấn trong tuần trước. Trong khi đó, giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ đã giao dịch ở mức từ 375-382 USD/tấn, mức cao nhất kể từ tháng 6/2021, tăng so với mức từ 367-375 USD/tấn trong tuần trước.
Nhiều triển vọng cho xuất khẩu gạo năm 2022. Ảnh Int |
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam được giá đã hỗ trợ giá gạo trong nước bình ổn, giá gạo IR NL 504 ngày 24/1 tăng lên mức 7.700 - 7.800 đồng/kg; Gạo TP IR ở mức 8.500 - 8.600 đồng/kg; tấm 1 IR 7.500 đồng/kg và cám vàng 7.600 đồng/kg.
Như tại An Giang, giá lúa hôm nay (25/1): Đài thơm 8 giá 5.900 - 6.100 đồng/kg; OM 308 giá 5.400 - 5.500 đồng/kg; Nàng hoa 9 giá 5.900 - 6.000 đồng/kg; OM 18 giá 5.900 - 6.000 đồng/kg; IR 50404 (khô) 6.000 đồng/kg; Nàng Nhen (khô) 12.000 đồng/kg.Tại nhiều địa phương trong tỉnh Bạc Liêu, hiện, giá lúa tươi được thu mua tại ruộng dao động từ 6.500 – 8.200 đồng/kg. Cụ thể, giống lúa Một Bụi đỏ có giá từ 6.400 - 6.700 đồng/kg, giống lúa thơm chất lượng cao ST24, ST25 có giá từ 8.000 - 8.200 đồng/kg.
Đáng nói, việc xuất khẩu gạo ngay từ đầu năm đã rất lạc quan, báo hiệu xuất khẩu gạo năm nay sẽ có sự bứt phá mạnh hơn bởi nhiều yếu tố hậu thuẫn có lợi cho cả doanh nghiệp và người trồng lúa: Nhu cầu và giá lương thực trên thế giới tăng, sức chống chịu của doanh nghiệp tăng và đặc biệt là doanh nghiệp Việt Nam đã có thêm nhiều kinh nghiệm để ứng phó linh hoạt, sản xuất an toàn trong dịch COVID-19, đảm bảo nguồn cung phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Triển vọng từ thị trường EU
Đối với thị trường EU, năm 2022 này, theo cam kết từ Hiệp định EVFTA, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo mỗi năm (gồm 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm). Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm (cam kết này giúp Việt Nam có thể xuất khẩu ước khoảng 100.000 tấn vào EU hằng năm). Đối với sản phẩm từ gạo, EU sẽ đưa thuế suất về 0% sau 3 - 5 năm. Đây có thể xem là một tín hiệu đáng mừng cho xuất khẩu gạo Việt Nam.
Ngay bản thân các doanh nghiệp Việt cũng rất coi trọng thị trường EU. Nhiều doanh nghiệp đã dành thời gian, kinh phí để xúc tiến thương mại tại thị trường này. Chẳng hạn như công ty CP Tập đoàn Lộc Trời (LTG) cho biết, trong năm 2021 đã xuất khẩu 4.170 tấn gạo, gồm gạo thơm và gạo trắng sang thị trường châu Âu.
Bà Đặng Thị Liên - Giám đốc Công ty Lương thực thực phẩm Long An nhận định, năm 2022 dự báo vẫn có nhiều cơ hội cho xuất khẩu gạo, bởi nhu cầu của thế giới tăng, hơn nữa chất lượng gạo của Việt Nam được người tiêu dùng trên nhiều nước ưa chuộng.
Ngoài các thị trường truyền thống như Philippines (chiếm tỉ trọng lớn nhất), Trung Quốc, Malaysia, Mỹ, các nước châu Phi, Hàn Quốc..., thì xuất khẩu gạo sang châu Âu (EU) dự báo sẽ tăng mạnh trong năm 2022 bởi hỗ trợ của Hiệp định Thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA).
Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An, cho biết năm 2022, thị trường xuất khẩu vẫn tiếp tục hứa hẹn nhiều gam màu sáng khi sức tiêu thụ và giá bán dự báo sẽ tăng, đặc biệt với ở những mặt hàng gạo ngon, chất lượng cao.
"Dù tình hình dịch khó khăn nhưng mỗi tháng chúng tôi đều đặn khoảng 50 container cho thị trường châu Âu. Đây là tín hiệu đáng mừng. Gạo của chúng tôi đang bán với giá ngang ngửa gạo Thái Lan", ông Phạm Thái Bình cho hay.
Theo Bộ Công Thương, năm 2021, gạo Việt Nam đã được đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường trong khối EU như: Đức, Hà Lan, Pháp, Thụy Điển, Bỉ… và đem lại kết quả khá tích cực. Đặc biệt, giá trị xuất khẩu gạo có sự tăng trưởng rất cao. Năm 2021, xuất khẩu gạo sang EU đạt 60.000 tấn, trị giá 41 triệu USD, tăng gần 1% về lượng, nhưng tăng hơn 20% về trị giá so với năm 2020.
Theo số liệu của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), trong 10 nguồn cung gạo ngoại khối lớn cho EU, gạo xuất khẩu của Việt Nam vào EU đạt mức tăng giá mạnh nhất, tăng 20,3%, đạt trung bình 781 USD/tấn.
Cũng phải nhắc lại, trong chiến lược phát triển ngành lúa gạo từ nay đến năm 2030, Việt Nam đặt mục tiêu giảm sản lượng, giảm số lượng gạo xuất khẩu và tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu. Đây chính là định hướng đúng đắn về tái cơ cấu ngành lúa gạo, làm cơ sở để đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngành lúa gạo sang chiều sâu, đáp ứng tiêu chuẩn cao về nhập khẩu và nhu cầu người tiêu dùng ở các nước phát triển.
Thực tế trong năm 2021, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang ở top cao nhất trong các nước xuất khẩu gạo truyền thống. Giá gạo cao sẽ hỗ trợ, bù đắp cho số lượng gạo xuất khẩu bị giảm sút do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và khả năng này có thể duy trì trong năm 2022 khi dịch COVID-19 vẫn có nguy cơ bùng phát trở lại tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Trà My