Tại Báo cáo kinh tế Việt Nam: Cải cách và triển vọng trong một thế giới nhiều biến động, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Chính sách kinh tế vĩ mô (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM), đánh giá tăng trưởng kinh tế Việt Nam ít nhiều duy trì ở mức cao sau nhiều năm, quý II/2018 tăng trưởng GDP đạt 6,8%, cao nhất từ năm 2008 đến nay.
Tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam có thể bị giảm khoảng 1,6-2 điểm phần trăm |
Đặc biệt, chất lượng tăng trưởng đang cho thấy những dấu hiệu tích cực. Cụ thể, tăng trưởng ít dựa vào một số động lực truyền thống như đóng góp của khai khoáng giảm, chính sách tiền tệ thận trọng chưa gây áp lực đối với lạm phát.
Xuất khẩu tăng trưởng ở mức cao. Khu vực trong nước tăng trưởng xuất khẩu nhanh hơn tổng cầu xuất khẩu. Thặng dư thương mại trong hầu hết các tháng từ đầu năm, trừ tháng 5.
Dư địa để ứng phó với các cú sốc bất lợi đã được cải thiện đáng kể. Trong đó, dư địa điều hành tiền tệ, tín dụng đã tăng (so với giai đoạn trước năm 2012) sau vài năm kiên định chính sách tài chính thận trọng và mặt bằng lãi suất ổn định.
Đặc biệt, đánh giá về tác động của chiến tranh thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc, ông Dương cho biết, tác động trực tiếp chưa nhiều do tính đặc thù của mặt hàng bị áp thuế, nhưng do tổng cầu và thương mại thế giới suy giảm, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam có thể bị giảm khoảng 1,6-2 điểm phần trăm trong năm nay.
Tuy nhiên, ông Dương cũng cho rằng tác động trên còn phụ thuộc vào dư địa chính sách và mức độ bình tĩnh trong điều hành của Việt Nam.
Trong đó, về tỷ giá hiện nay có không ít kiến nghị phá giá VND nhưng nghiên cứu của CIEM cho rằng khó dùng giải pháp tiền tệ làm chủ đạo để xử lý vấn đề của nền kinh tế thực, phá giá có thể gây áp lực lạm phát dẫn tới bất ổn vĩ mô.
Lê Thúy