Xuất khẩu rau quả tăng hơn 16% |
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng quả ước đạt 1,27 tỷ USD, tăng 7,3%; mặt hàng rau ước đạt 198 triệu USD, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2017. Tính riêng tháng 5/2018, kim ngạch XK rau quả ước đạt 304 triệu USD.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam với giá trị 988,9 triệu USD, chiếm 74,3% và tăng 30,1% so với cùng kỳ năm 2017. Các thị trường khác như Mỹ cũng tăng 12,8%; Nhật Bản tăng 16,4% và Hàn Quốc tăng 13,5%.
Cũng trong tháng 5/2018, Việt Nam nhập khẩu 119 triệu USD các mặt hàng rau quả, đưa tổng giá trị nhập khẩu mặt hàng này trong 5 tháng đầu năm 2018 ước đạt 575 triệu USD, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2017.
Theo đánh giá của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, thị trường xuất khẩu rau quả của Việt Nam ngày càng được mở rộng tại các thị trường yêu cầu về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đặc biệt, đầu tháng 5/2018, lô xoài ba màu đầu tiên của An Giang đã được xuất khẩu sang thị trường khó tính Australia sau một thời gian dài đàm phán.
HiệnBộ Nông nghiệp và Phát triển nông cùng Bộ Công Thương đang phối hợp với các địa phương duy trì xuất khẩu sang các thị trường như Trung Quốc, EU, ASEAN, Trung Đông.
Tuy nhiên, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cũng lưu ý, năm nay, Thái Lan được mùa trái cây, tổng sản lượng 4 loại quả chính (bòn bon, măng cụt, sầu riêng, chôm chôm) ở 7 tỉnh miền Nam (Thái Lan) ước đạt 440.600 tấn. Do đó, Việt Nam đang phải cạnh tranh gay gắt hơn với các mặt hàng trái cây của Thái Lan.
Để tiếp tục giữ vững tăng trưởng xuất khẩu rau quả, tránh tình trạng "được mùa mất giá", trong thời gian tới ngành rau quả Việt Nam phải kiểm soát kiểm dịch thực vật và an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Trung Việt