Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có buổi làm việc với chủ đầu tư các nhà máy điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp. Đây là các dự án “lỡ hẹn” hưởng giá ưu đãi FIT với điện mặt trời và điện gió.
Đề xuất giá tạm tính bằng 90% giá điện nhập khẩu
Theo thông tin cập nhật, sau khi Công ty Mua bán điện thuộc EVN (EPTC) có văn bản gửi chủ đầu tư các dự án chuyển tiếp đề nghị gửi hồ sơ thì đến ngày 20/3/2023 mới chỉ có duy nhất 1 chủ đầu tư gửi hồ sơ để chuẩn bị cho việc đàm phán hợp đồng mua bán điện và giá điện theo các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Công Thương.
Đề xuất giá điện của các dự án chuyển tiếp bằng 90% giá điện nhập khẩu (6,95 cent/kWh). |
Bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó Tổng giám đốc T&T Group, cho hay các nhà đầu tư đã phải chờ hơn 2 năm để có cơ chế, nhưng khung giá đưa ra quá thấp, khiến họ lo ngại dự án sẽ thua lỗ.
Đồng thời, lãnh đạo T&T Group bày tỏ quan ngại trước khung giá điện được Bộ Công Thương ban hành chưa phù hợp thực tiễn, nhà đầu tư trực tiếp bị ảnh hưởng không được hỏi ý kiến.
Nêu lý do hầu hết chủ đầu tư chưa gửi hồ sơ đàm phán, bà Bình cho biết: Nhà đầu tư chưa nộp hồ sơ vì thấy chưa rõ ràng. “Chúng tôi đề xuất huy động ngay sản lượng điện của các nhà máy đã hoàn thành đầu tư xây dựng để tránh lãng phí. Hiện có 34 dự án hoàn thành đầu tư, xây dựng gồm 28 dự án điện gió, 6 dự án điện mặt trời. Nếu trực tiếp chứng kiến cánh đồng điện gió mênh mông, mỗi tuabin 150 tỷ đồng đứng yên hơn một năm qua thì thấy vô cùng xót xa", bà nói.
“Chúng tôi đề xuất giá điện bằng 90% giá điện nhập khẩu (6,95 cent/kWh). Đây là giá tạm tính cho các chủ đầu tư. Sau này khi đã đàm phán, có giá điện chính thức thì áp dụng theo nguyên tắc hồi tố hoặc theo quy định của EVN. Nếu thiếu thì EVN bổ sung thêm, nếu thừa thì chủ đầu tư trả lại”, bà Bình nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Đỗ Văn Bình, Giám đốc Công ty năng lượng tái tạo Đại Dương, nêu lên nỗi khó khăn của nhà đầu tư là do chính sách thiếu. Việc Bộ Công Thương “giục” EVN đàm phán giá điện nhưng đến nay phương pháp tính toán giá chưa có, thì dù có nộp hồ sơ cũng chưa thể đàm phán được.
Theo đó, ông Bình đề nghị cần tạo điều kiện cho các đơn vị hoàn thành và thực hiện huy động nguồn điện trong khi đàm phán giá.
Mong muốn nhà đầu tư nhanh nộp hồ sơ bán điện
Trước trăn trở của nhà đầu tư, ông Trần Đình Nhân, Tổng giám đốc EVN đề nghị, để triển khai hợp đồng mua bán, Bộ Công Thương cần nghiên cứu quy định về phương pháp tính giá điện. Đồng thời, các chủ đầu tư nhanh chóng nộp hồ sơ cho công ty mua bán điện. Trường hợp các dự án thiếu hồ sơ, có thể được bổ sung sau. "Hiện chỉ có 1/85 chủ đầu tư nộp hồ sơ, nên các bên cần phải xích lại hợp tác", lãnh đạo EVN chia sẻ.
Đại diện Công ty Mua bán điện (EPTC) cũng khẳng định các dự án phải đủ hồ sơ mới tiến hành đàm phán, để đảm bảo công khai, minh bạch. Như vậy mới rõ ràng ai nộp hồ sơ trước, ai nộp sau; ai được đàm phán trước, ai được đàm phán sau.
Đề cập phương pháp tính toán giá điện, EPTC cho biết, do Bộ Công Thương chưa có hướng dẫn phương pháp đàm phán, cho nên EVN dự kiến nguyên tắc xác định giá điện là chủ đầu tư chi trả các khoản chi phí hợp lý toàn bộ đời sống kinh tế dự án, tỷ suất sinh lời của dự án không vượt quá 12%, không vượt quá khung giá Bộ Công Thương ban hành.
“Các thông số đầu vào tính toán được EVN xây dựng trên Thông tư 15 và Thông tư 57 để đáp ứng được tính đặc thù của nhà máy điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp”, EPTC chia sẻ.
Theo ông Phạm Nguyên Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), sau khi hết giá ưu đãi (giá FIT) sẽ phải thực hiện theo cơ chế chuyển tiếp. Tuy vậy, điều đó không phải là chính sách ưu đãi năng lượng tái tạo không còn. Vì trên thực tế vẫn còn một số ưu đãi nhất định, như việc vẫn áp dụng thời hạn giá trong 20 năm với điện gió chuyển tiếp.
Về ý kiến cho rằng các thủ tục rườm rà gây khó khăn cho nhà đầu tư, ông Hùng cho biết cần phải chuẩn xác lại. “Chúng tôi đề nghị EVN hướng dẫn nhà đầu tư quy trình. Trường hợp tài liệu còn thiếu, cho phép nhà đầu tư tiếp tục bổ sung, tuân thủ đúng quy định pháp luật”, ông Hùng nói.
Hiện có 84 dự án năng lượng tái tạo (công suất hơn 4.676 MW) bị chậm tiến độ vận hành thương mại so với kế hoạch. Trong đó, 34 dự án chuyển tiếp (28 dự án điện gió, 6 điện mặt trời) tổng công suất gần 2.091 MW đã hoàn thành thi công, thử nghiệm. Số dự án này không được hưởng giá điện ưu đãi cố định (giá FIT) trong 20 năm theo các quyết định trước đây.
Thy Lê