Đây là số liệu mới được Tổng cục Hải quan công bố. Theo đó, trong tháng 6 số lượng ô tô nguyên chiếc các loại đăng ký tờ khai hải quan nhập khẩu đạt 3.356 chiếc với trị giá hơn 82 triệu USD, tăng mạnh 45,6% về lượng và tăng 21,4% về trị giá so với tháng 5/2018. Trong đó, ô tô nguyên chiếc đăng ký nhập khẩu vẫn chủ yếu là ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống (chiếm 53%) và ô tô tải các loại (chiếm 44%). Xe ô tô loại khác (xe chuyên dụng các loại) chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ 3% trong tổng lượng ô tô nguyên chiếc các loại nhập khẩu của tháng cuối cùng của Quý 2/ 2018.
Ảnh minh hoạ (Nguồn: The LEADER) |
Xe ô tô nguyên chiếc các loại được đăng ký nhập khẩu trong tháng chủ yếu là xe có xuất xứ từ: Thái Lan với 2.917 chiếc (chiếm 87%), trị giá đạt 54,7 triệu USD; Mỹ với 123 chiếc, trị giá là 9,5 triệu USD; Nhật Bản với 99 chiếc, trị giá là 4,5 triệu USD. Còn lại là các loại xe có xuất xứ từ Đức, Trung Quốc, Nga, Thụy Điển, Hàn Quốc, Canada...
Số liệu công bố của Hiệp hội các nhà sản xuát ô tô Việt Nam (VAMA) cho thấy, tính chung 6 tháng đầu năm, tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường ô tô Việt Nam đạt 125.659 xe các loại, giảm 6% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó xe ô tô du lịch tăng 6%, xe thương mại giảm 21% và xe chuyên dụng giảm 40% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nguyên nhân dẫn đến sức tiêu thụ giảm được VAMA cho rằng, do ảnh hưởng từ Nghị định 116/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định về điều kiện sản xuất lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh ô tô có hiệu lực từ đầu năm 2018. “Nghị định 116 đã thu hẹp đường về của các loại ôtô nhập khẩu thi thoảng mới có một ít lô xe cập cảng. Toàn thị trường chủ yếu dựa vào dòng xe sản xuất, lắp ráp trong nước”, VAMA khẳng định.
Theo một số doanh nghiệp kinh doanh xe ô tô nhập khẩu, “vượt ải” khó khăn nên cũng là nguyên nhân khiến giá xe không giảm như kỳ vọng của người tiêu dùng. Thậm chí thời gian qua, một số thương hiệu còn tăng giá bán.
Thanh Hoa