Vinasun không chấp nhận cách giải thích từ Bộ GTVT, đánh giá văn bản trả lời của Bộ GTVT rất dài tới vài chục tờ giấy A4 nhưng lại vẫn giữ những đánh giá nhận định chủ quan, vo tròn các con số và gạt bỏ các ý kiến của hiệp hội, doanh nghiệp (DN), bộ ngành, giới chuyên gia.
Lũng đoạn thị trường
Vinasun cho rằng Bộ GTVT đã không đảm bảo cơ sở thực tiễn, khoa học, khách quan, đã cố tình bảo vệ và đánh giá sai lệch đề án thí điểm mô hình xe hợp đồng điện tử và công ty TNHH Grab Taxi theo Quyết định số 24.
Cụ thể, về mặt thị trường, kể từ sau khi đặt chân vào Việt Nam (tháng 2/2014), Grab liên tục tung khuyến mãi cho cả hành khách lẫn các đối tác – tài xế để đẩy mạnh tăng trưởng. Như vậy, phương châm của công ty này là “chấp nhận lỗ để làm thị trường”.
Số liệu của Vinasun đưa ra cho thấy, chỉ riêng tại Tp.HCM, số lượng đầu xe taxi công nghệ đã tăng từ 177 xe thời điểm năm 2014 lên đến 34.562 xe tính đến cuối năm 2017. Trong đó, số lượng xe của Grab tăng lên rất nhanh, từ 12.151 xe vào năm 2016 lên 17.000 xe vào tháng 10/2017 và đến tháng 3/2018 đã đạt 34.880 xe.
“Tăng trưởng xe khủng, trung bình Grab khuyến mãi 2,3 tỷ đồng/ ngày. Điều này cho thấy mục tiêu lũng đoạn thị trường, lách luật, tiêu diệt doanh nghiệp Việt, chèn ép người lao động là rất rõ ràng”, Vinasun nhấn mạnh và cho rằng cách lý giải của Bộ GTVT rằng do không khống chế số lượng khiến đầu xe tăng và do nhu cầu tăng là “không có cơ sở khoa học và toàn diện”.
Hệ lụy của việc Grab đang lũng đoạn thị trường, theo Vinasun, là việc các hãng taxi chính thống đang bị kéo vào cuộc chiến thị trường không lành mạnh, gây tổn thất lớn cho các hãng này.
Cụ thể, vì sự cạnh tranh của Grab, số lượng vận tải taxi đến cuối năm 2017 trên toàn Tp.HCM đã giảm mạnh từ 12.654 xe xuống còn hơn 9.600 xe, trong đó Mai Linh có 3.539 xe, Vinasun có 5.856 xe.
Ba tháng đầu năm 2018, số lượng đơn vị vận tải taxi truyền thống đã giảm xuống còn 16 đơn vị. 5 doanh nghiệp đã ngừng hoạt động gồm Savico, Hoàng Long, Tràm Thành, Minh Đức Tân Phú và CTCP Sài Gòn Sân Bay. Tổng số xe hiện chỉ còn 8.500 xe.
Vinasun tiếp tục “tố tội” Grab |
Thất thu ngân sách
Điều đáng nói, sau khi lũng đoạn thị trường thành công, Grab đã dần “cắt” những khuyến mãi đối với tài xế cũng như khách hàng, khiến các tài xế phải chịu những khoản nợ – như các khoản tiền vay mua xe chạy Grab…
“Kết cục dành cho cả doanh nghiệp, tài xế taxi chính thống và cả tài xế Grab đều rất bi đát, ảnh hưởng tới đời sống lao động, việc làm của hàng trăm nghìn người lao động trên phạm vi cả nước”, Vinasun cho biết.
Một hệ lụy khác, theo Vinasun, là tình trạng Nhà nước thất thu thuế. Số liệu thống kê cho thấy, doanh thu vận tải đường bộ toàn ngành trên địa bàn Tp.HCM năm 2017 giảm 3.600 tỷ đồng, tương đương giảm 22% so với năm 2016 và bằng năm 2014 – dù tốc độ phát triển số lượng xe như là cực nhanh.
Nguyên nhân, theo Vinasun, do số lượng lớn xe tham gia mạng lưới đối tác Grab – Uber, nên việc chịu nghĩa vụ thuế ít.
Chưa kể, việc khuyến mãi “khủng” khiến Grab, Uber luôn tuyên bố lỗ, và phải chịu thuế ít. Đơn cử như Grab, vốn điều lệ của công ty này tại Việt Nam là 20 tỷ đồng, nhưng sau 2 năm thí điểm báo lỗ 938 tỷ đồng, nộp thuế 9,5 tỷ đồng, chỉ bằng 1/130 số thuế mà Vinasun đóng góp trong cùng thời gian.
Đối với Uber, hãng này vẫn đang nợ thuế 53 tỷ đồng, nhưng đã dễ dàng rút khỏi Việt Nam và tuyên bố không chịu trách nhiệm với khoản thuế trên nữa. Còn Grab – đơn vị mua lại Uber – lại tuyên bố không chịu trách nhiệm.
Những hệ lụy trên, cùng với hàng loạt hệ lụy khác nữa, Vinasun cho rằng việc gia hạn thí điểm đề án cùng với việc không xem Grab – Uber là doanh nghiệp kinh doanh vận tải hay việc trình duyệt, thẩm định, báo cáo Chính phủ của Bộ GTVT cũng có nhiều khuất tất cần được làm rõ.
Ví dụ điển hình, theo Vinasun, hợp đồng điện tử là khái niệm đánh tráo. Bản chất Grab và Uber là đơn vị kinh doanh vận tải hành khách. Bởi sử dụng Grab, Uber nhưng người tiêu dùng không thể tìm ra nội dung hợp đồng vận tải nào được ký kết cho mỗi chuyến đi.
Hồng Nhung