Theo giới chuyên gia, hiện nay, ví điện tử đang trở thành công cụ thanh toán trực tuyến phổ biến, được nhiều người ưa dùng do có nhiều ưu điểm so với các thẻ của ngân hàng như không bị thu phí thường niên, không bị tính phí khi thanh toán hóa đơn mua hàng trực tuyến… Do đó, không chỉ có các doanh nghiệp (DN) công nghệ mà DN dịch vụ cũng đang lên kế hoạch lấn sân sang lĩnh vực này.
Cuộc tấn công mạnh mẽ của GrabPay
Số liệu từ Ngân hàng Nhà Nước (NHNN) cho thấy, tại Việt Nam, thị trường hiện có khoảng hơn 20 loại ví điện tử. Tuy còn khá khiêm tốn so với quy mô dân số và người dùng Internet hiện nay, nhưng ví điện tử đang có sự phát triển vượt bậc.
Cụ thể, năm 2016, giá trị giao dịch tại thị trường Việt Nam thông qua ví điện tử đạt 53.109 tỷ đồng, tăng 64% so với năm 2015. Sang năm 2017, mức tăng cũng được các chuyên gia dự đoán 50-70% so với năm 2016.
Dù chưa được NHNN cấp phép là ví điện tử, nhưng Grab đã triển khai ứng dụng GrabPay ra mắt vào giữa năm 2016. Tuy nhiên, cách tấn công mạnh mẽ của startup này đã khiến nhiều “ông lớn” kiêng nể nếu GrabPay thực sự trở thành ví điện tử.
Mục tiêu ban đầu của GrabPay là giúp khách hàng thanh toán cước phí chuyến đi thông qua thẻ thanh toán quốc tế tại Việt Nam, áp dụng với hai dịch vụ: GrabCar và GrabBike.
Dù DN này chưa từng công bố số liệu cụ thể về số lượng người tiêu dùng đăng ký sử dụng dịch vụ GrabPay, song giới chuyên gia nhận định, với số lượng hơn 42.000 xe tính đến hết năm 2017, số người sử dụng dịch vụ này cũng phải lên đến hàng nghìn người.
Theo phân tích của một chuyên gia công nghệ, ngay sau khi thâu tóm Uber, Grab đã không còn áp dụng các chương trình khuyến mại nữa, thay vào đó, giá cước đã điều chỉnh tăng vọt, thậm chí cao hơn giá cước của hãng taxi truyền thống. Tuy nhiên, DN này lại triển khai khuyến mãi thông qua hình thức thanh toán bằng GrabPay.
Trước đây, Grab thường áp dụng chương trình khuyến mãi cho khách hàng bằng cách nhập mã số để giảm giá 10-30 nghìn cho mỗi chặng di chuyển và chỉ áp dụng tối đa cho 5 chặng. Tuy nhiên, từ khi Grab đưa hình thức khuyến mãi khi khách hàng thanh toán bằng thẻ GrabPay, giá trị khuyến mãi tăng hơn, số lượng các chặng cũng tăng lên gấp đôi.
Chị Hồng Nhung (Cầu Giấy) cho hay: “Lâu nay, tôi thường xuyên chọn di chuyển bằng Grab vì giá cước rẻ hơn một nửa so với các hãng taxi khác nhờ chương trình khuyến mãi lên đến 50% hoặc giảm trừ 30-50 nghìn đồng cho mỗi chặng khi thanh toán bằng GrabPay. Việc áp dụng cho 10 chuyến/ tuần cũng giúp tôi thoải mái di chuyển hơn”.
Theo các chuyên gia, cách thức khuyến mãi này đã giúp cho Grab đạt được tỷ lệ người dùng đăng ký sử dụng GrabPay lên đến hàng nghìn người.
![]() |
Với 42.000 xe tính đến hết năm 2017, lượng người dùng GrabPay tại Việt Nam ước tính lên đến hàng nghìn |
Sẽ lấn sân thị trường thanh toán điện tử
Thoạt nghe không có gì là đột phá, phù hợp với ý tưởng ban đầu là Grab sẽ tạo ra một nơi lưu trữ tiền mặt để người dùng thực hiện các thanh toán hàng ngày nhằm vừa để tạo sự khác biệt so với đối thủ vừa để thu hút người dùng.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đây chỉ là bước đệm, sau khi có một lượng lớn khách hàng, nếu chuyển đổi GrabPay thành ví điện tử, khách hàng chỉ cần cập nhật ứng dụng có sẵn trên điện thoại là có thể dễ dàng sử dụng. Như vậy sẽ giúp DN này chiếm lĩnh thị trường thanh toán điện tử.
Trên thực tế, nhiều người vẫn có thói quen giữ tiền mặt thay vì gửi ngân hàng, nhưng thời gian qua, quan điểm của người dân đang dần thay đổi, cùng với chủ trương đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ sẽ là “mảnh đất” màu mỡ cho các DN công nghệ, cũng như công ty công nghệ trong lĩnh vực tài chính (fintech) và các ngân hàng khai thác.
Ông Jerry Lim, Giám đốc điều hành Grab Việt Nam, cho biết Grab có 60 triệu lượt tải, 1,3 triệu tài xế cùng 3 triệu lượt gọi xe mỗi ngày ở 7 quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.
Riêng thị trường Việt Nam, vị giám đốc này đánh giá: “Đây là thị trường đầy tiềm năng, nơi có 90% người dân quen dùng tiền mặt và loại bỏ rất nhiều lợi ích của hệ thống ngân hàng. Vì vậy, không chỉ cung cấp dịch vụ thanh toán cước vận chuyển, Grab đang muốn tấn công vào cả những lĩnh vực thanh toán khác, bởi nhu cầu về thanh toán là rất lớn, trong khi chưa có “tay chơi” nào thống lĩnh thị trường”.
Theo nguồn tin của Thời báo Kinh Doanh, tới đây, Grab sẽ triển khai mạnh mẽ dịch vụ tài chính tại Việt Nam, đáp ứng được mọi nhu cầu tài chính của khách hàng, từ vay tiêu dùng, vay mua nhà, mua xe, mua bảo hiểm đến gửi tiền ra nước ngoài…
“Hiện, Grab đang tiến hành các thủ tục xin phép NHNN để đưa GrabPay thành một ví điện tử và sẽ ra mắt thị trường ngay trong năm 2018. Bên cạnh đó, Grab đang tìm kiếm đối tác thực hiện các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) để tham gia vào lĩnh vực cho vay tiêu dùng”, một lãnh đạo Grab tiết lộ.
Huyền Anh