Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu thép các loại trong tháng 9 đạt 1,09 triệu tấn, trị giá 674,1 triệu USD, giảm 22,7% về lượng và giảm 15,2% về giá trị. Tính chung trong 9 tháng đầu năm, Việt Nam chi 6,69 tỷ USD để nhập khẩu 11,4 triệu tấn thép, giảm 17,3% về lượng nhưng tăng 14,2% về giá trị.
Trong 9 tháng đầu năm, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan là 4 thị trường Việt Nam chi nhiều tiền để nhập khẩu sắt thép các loại nhất, với kim ngạch nhập khẩu đạt 5,72 tỷ USD, chiếm tới 85% tổng kim ngạch nhập khẩu thép của cả nước. Trong đó, Trung Quốc dẫn đầu kim ngạch nhập khẩu đạt 3,12 tỷ USD. Đứng thứ 2 là thị trường Nhật Bản đạt hơn 1 tỷ USD. Xếp thứ 3 và 4 lần lượt là Hàn Quốc và Đài Loan với kim ngạch nhập khẩu đạt 888 triệu USD và 657,07 USD.
Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan là 4 thị trường Việt Nam chi nhiều tiền để nhập khẩu sắt thép các loại nhất
Ở chiều ngược lại, Việt Nam xuất khẩu 450.590 tấn thép các loại trị giá hơn 294 triệu USD tăng 2,4% về lượng và tăng 6,9% về giá trị. Tính chung trong 9 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu 3,3 triệu tấn sắt thép các loại trị giá 2,1 tỷ USD, tăng 31,6% về lượng và tăng 51,1% về giá trị.
Tính từ đầu năm tới tháng 9, lượng nhập khẩu sắt thép các loại lũy kế qua các tháng hầu như đều giảm so với cùng kỳ năm ngoái (trừ 2 tháng đầu năm tăng 0,2%). Trong đó, lượng nhập khẩu thép 7 tháng đầu năm giảm mạnh nhất so với cùng kỳ năm ngoái khi giảm 18,3% xuống còn 8,99 triệu tấn. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kim ngạch nhập khẩu vẫn ở mức dương, một phần là do giá thép Trung Quốc thời gian vừa qua tăng mạnh trong khi đây lại là thị trường nhập khẩu thép hàng đầu của Việt Nam.
Trong khi đó, lượng xuất khẩu sắt thép các loại lũy kế qua các tháng liên tục tăng trung bình 33,96%. Đáng chú ý nhất là 2 tháng đầu năm, lượng xuất khẩu sắt thép các loại tăng 46,7% so với cùng kỳ năm ngoái lên 662.175 tấn
Lê Thuý