Việt Nam tiếp tục duy trì vị thế cao trong top các nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, với sản lượng dự kiến đạt 43 triệu tấn vào năm 2024. Đáng chú ý, Đông Nam Á có 4 quốc gia nằm trong danh sách 10 nước xuất khẩu gạo hàng đầu toàn cầu. Trong đó, Thái Lan đứng thứ hai với sản lượng 16,5 triệu tấn, và Việt Nam xếp thứ ba với 7,6 triệu tấn.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, dự kiến sản lượng lúa của cả nước trong năm nay sẽ đạt 43 triệu tấn, đủ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu hơn 8 triệu tấn gạo.
Số liệu sơ bộ từ Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 8 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 6,15 triệu tấn gạo, thu về gần 3,85 tỷ USD. Dù lượng xuất khẩu chỉ tăng gần 6% so với cùng kỳ năm trước, giá trị lại tăng mạnh 22%.
Theo dữ liệu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam cập nhật ngày 11/9, giá xuất khẩu bình quân gạo 5% tấm của Việt Nam đạt 567 USD/tấn, cao hơn gạo cùng loại của Thái Lan 2 USD/tấn và cao hơn gạo của Pakistan 32 USD/tấn.
Trong 8 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 6,15 triệu tấn gạo, thu về gần 3,85 tỷ USD. |
Gạo 25% tấm của nước ta cũng có giá 533 USD/tấn, cao hơn hàng Thái Lan và Pakistan lần lượt 12 USD/tấn và 30 USD/tấn. Gạo 100% tấm có giá 452 USD/tấn, cao hơn hàng Pakistan 21 USD/tấn nhưng thấp hơn hàng cùng loại Thái Lan 1 USD/tấn.
Hiện mặt hàng gạo đang là sản phẩm nông sản có kim ngạch xuất khẩu cao thứ 5 trong toàn ngành nông nghiệp, chỉ đứng sau mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ, thuỷ sản, rau quả, cà phê.
Mặc dù nằm trong top 3 quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất trên thế giới, nhưng trong 8 tháng đầu năm Việt Nam đã chi tổng cộng 843 triệu USD để nhập khẩu gạo các loại, tăng gần 44% so với cùng kỳ năm ngoái.
Năm ngoái, nước ta đã chi ra 860 triệu USD để nhập khẩu gạo từ các quốc gia, trong đó chủ yếu là nhập từ Campuchia và Ấn Độ. Điều này cho thấy số lượng nhập khẩu gạo 8 tháng đầu năm nay của Việt Nam đã tăng rất mạnh.
Với tốc độ nhập khẩu gạo như hiện nay của các doanh nghiệp, dự báo kết thúc năm nay, kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này có thể chạm hoặc vượt mốc 1 tỷ USD, kỷ lục chưa từng có trong lịch sử.
Nguyên nhân nhập khẩu gạo tăng mạnh trong 8 tháng đầu năm là do từ giữa năm ngoái đến nay, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng và neo ở mức cao. Một số thời điểm giá gạo Việt Nam còn vượt xa so với các đối thủ cạnh tranh nên các doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh nhập khẩu về để tiết kiệm chi phí sản xuất.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cho biết, sản xuất lúa gạo ở nước ta hiện đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, dư lượng lớn gạo ngon để xuất khẩu, góp phần đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu. Nhưng vẫn cần nhập khẩu một số loại gạo khác nhằm phục vụ cho nhu cầu về sản xuất chế biến và làm thức ăn chăn nuôi.
Lượng gạo nhập khẩu chủ yếu ở phân khúc thấp như gạo 25% tấm và gạo 100% tấm. Dòng gạo này chủ yếu dùng để phục vụ cho sản xuất chế biến ra các sản phẩm từ gạo.
Thanh Hoa