Theo số liệu thống kê Cục Hải quan, trong tháng 2/2025, Việt Nam xuất khẩu được 7,66 nghìn tấn chè, với trị giá 11,91 triệu USD, giảm 21% về lượng và giảm 27,4% về trị giá so với tháng 1/2025. Lũy kế 2 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu chè đạt 17,33 nghìn tấn, trị giá 28,31 triệu USD, giảm 1,3% về lượng và giảm 2,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2024.
Về giá xuất khẩu, tháng 2/2025, giá bình quân xuất khẩu chè đạt mức 1.556 USD/tấn, giảm 8,1% so với tháng 1/2025 và giảm 0,8% so với tháng 2/2024. Tính chung 2 tháng đầu năm 2025, giá bình quân chè xuất khẩu đạt 1.633 USD/tấn, giảm 1,3% so với cùng kỳ năm 2024.
![]() |
Xuất khẩu chè của Việt Nam đứng thứ 5 trên thế giới, tới 74 thị trường khác nhau. |
Đặc biệt, hiện giá bình quân chè xuất khẩu của nước ta chỉ bằng khoảng 65% so với mức giá bình quân của thế giới và thấp hơn nhiều so với giá bình quân xuất khẩu chè của Ấn Độ và Sri Lanka. Nguyên nhân bởi phần lớn chè xuất khẩu của Việt Nam là hàng thô, chưa qua chế biến sâu, đóng gói đơn giản, thiếu nhãn mác, thương hiệu rõ ràng.
Về thị trường xuất khẩu, trong tháng 2/2025, Pakistan là thị trường xuất khẩu chè lớn nhất của Việt Nam, chiếm 23,57% về lượng và chiếm 27,26% về trị giá trong tổng xuất khẩu chè của cả nước, đạt 1,8 nghìn tấn, trị giá 3,25 triệu USD. Giá bình quân xuất khẩu chè sang thị trường này ở mức 1.800 USD/tấn.
Ngoài ra, một số thị trường đạt mức tăng trưởng cao so với tháng 2/2024, trong đó đáng chú ý như: Indonesia tăng 247,1%; Hoa Kỳ tăng 66,1%; Trung Quốc tăng 145,4%; Ấn Độ tăng 382,6%...
Chia sẻ cùng VnBusiness, ông Phạm Xuân Phương, Chủ tịch HĐQT Công ty Trà Dược Núi Đèn, cho hay hiện các sản phẩm chè của Việt Nam vẫn chủ yếu xuất khẩu ở dạng thô. Ông Phương nêu ví dụ, khi xuất khẩu trà nguyên liệu sang Phúc Kiến (Trung Quốc), các doanh nghiệp tại đây sử dụng công nghệ cao để sản xuất lục bảo trà, nâng giá trị sản phẩm lên gấp chục lần so với giá nhập.
Được biết, năm 2024 Việt Nam xuất khẩu chè sang thị trường Trung Quốc đạt 13,3 nghìn tấn, giá trị 19 triệu USD, tăng 177% về lượng, tăng 85,2% về kim ngạch. Tỷ trọng xuất khẩu chè sang Trung Quốc chiếm 9,2% tổng lượng và 4,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu chè của Việt Nam. Tuy nhiên, giá xuất khẩu chè bình quân sang nước này chỉ đạt 1.420 USD/tấn, giảm 33,2% so với năm 2023.
“Doanh nghiệp sẵn vùng nguyên liệu sạch để sản xuất số lượng lớn trà Shan tuyết có chất lượng cao. Tuy nhiên, do còn khá thiếu thốn về vốn và công nghệ chế biến nên hiện tại chúng tôi vẫn chủ yếu xuất trà thô là chủ yếu” – ông Phương bày tỏ.
Tính đến nay, Việt Nam đã trở thành quốc gia sản xuất, xuất khẩu chè đứng thứ 5 trên thế giới, xuất khẩu tới 74 quốc gia. Việt Nam đã chế biến được khoảng 15 loại chè khác nhau, trong đó chè đen và chè xanh là hai sản phẩm chủ lực, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong xuất khẩu.
![]() |
Để tăng giá trị, ngành chè cần tập trung phát triển các sản phẩm chè có giá trị gia tăng cao, chế biến sâu, sản phẩm tinh chế cao cấp |
Nói về định hướng phát triển ngành chè, ông Hoàng Vĩnh Long - Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam, cho biết ngành chè Việt Nam đã và đang phát triển theo hướng bền vững, áp dụng sản xuất theo các chứng nhận quốc tế. Điểm mạnh của Việt Nam là thổ nhưỡng khí hậu rất phù hợp sự phát triển của cây chè với nhiều vùng chè đặc sản, chất lượng cao như: Thái Nguyên, Sơn La, Lâm Đồng. Đặc biệt, Việt Nam còn có gần 20.000 ha chè shan rừng. Nhiều vùng chè shan cổ thụ hàng trăm năm.
“Có một điều đáng tiếc, phần lớn các sản phẩm nổi tiếng khi xuất khẩu ra nước ngoài đến tay người tiêu dùng lại không mang thương hiệu chè Việt Nam. Nguyên nhân là do phần lớn chè vẫn xuất khẩu thô, chưa có thương hiệu mạnh, trong khi hoạt động quảng bá cho chè Việt Nam cũng còn rất hạn chế”, ông Long nhấn mạnh.
Để tăng giá chè xuất khẩu, các chuyên gia cho rằng ngành chè cần tập trung phát triển các sản phẩm chè có giá trị gia tăng cao, chế biến sâu, sản phẩm tinh chế cao cấp, được sử dụng trong các ngành thực phẩm, dược phẩm hoặc mỹ phẩm; tiếp tục đầu tư công nghệ, thiết bị hiện đại để nâng cao chất lượng sản phẩm chè.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, tổng diện tích cây chè cả nước hiện nay khoảng 122.000 ha. Dự báo sản lượng xuất khẩu chè của Việt Nam đến năm 2030 đạt 156.000 tấn, tăng trung bình 0,83%/năm, chiếm khoảng 80% sản lượng chè sản xuất ra. Các thị trường chính của sản phẩm chè Việt Nam vẫn là Pakistan, Trung Quốc, Nga, Indonesia,… và đang chuyển hướng xuất khẩu các sản phẩm chè chất lượng cao sang thị trường EU…
Chính vì vậy, giai đoạn từ nay đến năm 2030, ngành chè cần tập trung phát triển các mặt hàng chè mới có giá trị gia tăng cao, chế biến sâu, sản phẩm tinh chế cao cấp, được sử dụng trong các ngành thực phẩm và phi thực phẩm, dược phẩm hoặc mỹ phẩm; tiếp tục đầu tư công nghệ, thiết bị hiện đại để nâng cao chất lượng sản phẩm chè.
Hồng Hương