Sản phẩm nước mắm lú lâu năm của Công ty TNHH hải sản Phan Thiết đạt công nhận OCOP 4 sao, nhưng ông Nguyễn Quang Chiến, Giám đốc công ty cho biết để đưa sản phẩm giới thiệu tới người tiêu dùng trong nước thông qua hệ thống siêu thị hiện đại còn rất khó khăn.
Chi phí vào siêu thị chiếm tới 30-40% giá thành sản phẩm
Một trong những lý do được ông Chiến đưa ra là sản lượng của sản phẩm chưa lớn, năng lực một năm chỉ sản xuất được 1 container – tương ứng với 30-40 ngàn lít nước mắm. Trong khi đó, để đưa sản phẩm vào siêu thị thì không đáp ứng được dòng tiền, nguồn vốn do công nợ dài ngày; yêu cầu chiết khấu cao...
Chiết khấu cao là một trong những lý do lớn nhất khiến nhiều sản phẩm đặc sản Việt không mặn mà với kênh bán lẻ hiện đại. |
“Thông thường, nhiều siêu thị yêu cầu các chương trình như sinh nhật, ngày lễ… nhà sản xuất đều có chương trình khuyến mãi, tính ra chi phí này chiếm 30-40% giá thành của sản phẩm”, ông Chiến chia sẻ với VnBusiness.
Theo đó, sản phẩm của Công ty Hải sản Phan Thiết đang chọn cách tiếp cận với người tiêu dùng trong nước thông qua kênh online hoặc phân phối quảng bá hình ảnh qua các hội chợ xúc tiến thương mại.
Tương tự, bà Phạm Thị Vân, đại diện HTX Anh Nguyên (Ea Tân, Krông Năng, Đắk Lắk), chia sẻ 2 năm qua do những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nên HTX gần như đóng cửa hoàn toàn kênh xuất khẩu, doanh thu sụt giảm hơn 90%. Đến nay, khi thị trường phục hồi, HTX đang đẩy mạnh phân phối sản phẩm ở thị trường nội địa.
Dù cung ứng các loại hạt có hàm lượng dinh dưỡng cao như macca, sachi... với nhiều dòng sản phẩm đa dạng như tinh dầu, sản phẩm khô tự nhiên… song HTX vẫn chưa thể đưa được sản phẩm tới nhiều hệ thống bán lẻ lớn. Nguyên nhân cũng vì chiết khấu cao, thanh toán chậm.
Trong khi đó, bà Vũ Thị Thu Huyền, Giám đốc HTX Chè Thịnh An (Thái nguyên), bày tỏ hiện nay sản phẩm chè của HTX được thị trường trong nước chấp nhận, phân phối tới các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích. Tuy vậy, bà Huyền cho biết để vào được hệ thống siêu thị thì người sản xuất phải chấp nhận thực tế và có giải pháp về câu chuyện là tồn đọng hàng, thậm chí sẵn sàng nhận lại số hàng bao bì bị phai màu, quá hạn sử dụng, khó khăn về dòng vốn…
"Vào được siêu thị đã khó nhưng để cạnh tranh tốt ở kênh này sẽ khó khăn hơn. Theo đó, sản phẩm của Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với rất nhiều dòng sản phẩm tương tự trong và ngoài nước, trong khi không có nhân viên bán hàng tư vấn cụ thể, do vậy nếu không hấp dẫn được người tiêu dùng thì chắc chắn việc tiêu thụ gặp khó khăn và thất bại ở kênh bán lẻ hiện đại", bà Huyền chia sẻ.
Chăm chút bao bì để tăng sức cạnh tranh
Ở góc độ nhà phân phối, bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, cho rằng có thực tế sản phẩm nông sản đạt chứng nhận đạt OCOP nhưng "con đường" để tiếp cận hệ thống bán lẻ không đơn giản, vì còn nhiều giấy tờ khác.
Vì vậy, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam khuyến nghị, sản phẩm OCOP nói riêng và hàng Việt nói chung muốn vào hệ thống siêu thị đều phải cung cấp đầy đủ giấy tờ chứng minh sản phẩm đạt yêu cầu. Các nhà sản xuất nên đặc biệt chú trọng đến giấy tờ chứng nhận cho sản phẩm trong thời kỳ còn hạn. "Nhiều khi nhà sản xuất đem bộ chứng từ đầy đủ giấy tờ, nhưng nhìn đến hạn thì đã hết. Đây sẽ là trở ngại để đến với nhà bán lẻ", bà Hậu chia sẻ.
Với băn khoăn về thời gian thanh toán, từ kinh nghiệm công tác trong ngành bán lẻ, bà Hậu cho rằng, vấn đề này có thể giải quyết được. Những sản phẩm đưa ra thị trường bán tốt thì nhà bán lẻ sẽ có chính sách thanh toán riêng. Còn đối với các sản phẩm cần một quá trình để thu hút người dùng, đòi hỏi nhà bán lẻ phải có chính sách quảng bá riêng, cũng như trưng bày quầy kệ sao cho hấp dẫn người dùng. Nếu gặp phải vướng mắc, hai bên là nhà sản xuất - bán lẻ cần phải cùng ngồi lại với nhau để tìm ra phương thức thanh toán hiệu quả.
Mặt khác, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cũng cho rằng, người sản xuất giỏi về chuyên môn nhưng chưa chắc giỏi về kinh doanh - một lỗ hổng lớn mà nhà sản xuất cần phải cải thiện. Việc sản xuất ra sản phẩm đạt chất lượng là rất cần thiết, nhưng việc tạo ra bao bì, tem nhãn thu hút người tiêu dùng cũng quan trọng không kém.
Vậy, làm sao để sản phẩm cạnh tranh được ngay cả khi đã vào được kênh phân phối hiện đại? Ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp, đánh giá đối với người tiêu dùng, bao bì có vai trò cung cấp thông tin sản phẩm, thiết kế và tên của thương hiệu. Còn đối với nhà sản xuất, bao bì đóng vai trò tích cực trong việc quảng bá thương hiệu, bảo quản và phân phối sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng. Do đó, bao bì sản phẩm tác động trực tiếp đến hành vi mua hàng của người dùng, quyết định đến sự thành công của sản phẩm và chiến dịch bán hàng của doanh nghiệp.
Trong sản xuất nông nghiệp, bao bì đóng vai trò quan trọng để bảo vệ nông sản và thực phẩm. Tuy nhiên, khi công nghệ phát triển và người tiêu dùng hiểu biết, sành điệu hơn, do đó thiết kế bao bì cũng trở nên quan trọng như chức năng của nó.
Để cạnh tranh thành công, các doanh nghiệp cần tìm những cách độc đáo để sự kết nối cảm xúc giữa người tiêu dùng với thương hiệu mạnh mẽ hơn và bao bì là một cách để thương hiệu đến gần hơn và đến nhiều hơn với người tiêu dùng. Ông Tiến cho biết thêm một trong những xu thế của bao bì hiện nay là chất lượng bao bì xanh, bao bì bền vững và thân thiện môi trường.
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cũng cho rằng thời đại ngày nay là thời đại bi kịch của những người sản xuất, vì có quá nhiều sản phẩm tương đồng để người tiêu dùng lựa chọn. Bởi vậy, muốn bán được hàng, ngoài sản phẩm có chất lượng tốt cần phải kể được câu chuyện đầy cảm xúc để lôi cuốn khách hàng.
“Thay vì sản xuất 10 sản phẩm để có 10 đồng, chúng ta hãy chăm chút, đào sâu nghiên cứu, sáng tạo, nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, quảng bá xây dựng thương hiệu để bán một sản phẩm với giá 10 đồng, đó chính là tư duy kinh tế", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Nhật Linh