Đây là kết quả nghiên cứu về hành vi tiêu dùng vừa được công ty Nielsen đưa ra. Theo nghiên cứu này, với thu nhập khả dụng ít hơn trong ví tiền, người tiêu dùng sẽ tìm cách tối ưu giỏ hàng của họ ưu tiên nhu cầu về sức khỏe và giá trị.
Kênh bán hàng hiện đại ghi nhận mức tăng trưởng tích cực. |
Hơn 1/3 (36%) người tham gia khảo sát trên toàn cầu đã nhận thấy sự giảm sút các chương trình khuyến mãi ở các cửa hàng và các nhà bán lẻ cũng xác nhận điều này. Nielsen cũng chứng kiến mức sụt giảm lịch sử đối với các hoạt động kích cầu thương mại ở nhiều nước khác nhau.
Đặc biệt, sự ưu tiên về kênh mua sắm cũng thay đổi như một tiêu chuẩn mới trong tâm trí của người tiêu dùng. Tại Malaysia, các siêu thị nhỏ ngày càng trở nên quan trọng với doanh số bán hàng tăng gần 18% trong tháng 6/2020 (so với 9% năm ngoái) vì các cửa hàng này mang đến khả năng tiếp cận gần nhà cho nhu cầu mua tạp hóa hàng ngày với mức giá mong muốn so với các cửa hàng lớn ở xa.
Tại Việt Nam, tính đến tháng 6/2020, kênh bán hàng hiện đại ghi nhận sự tăng trưởng tích cực (+13% doanh số bán hàng so với năm ngoái) với số lượng cửa hàng gia tăng (+35% số lượng cửa hàng), dẫn đầu là hình thức siêu thị mini (+51%).
“Khi người tiêu dùng trở nên sáng suốt hơn trong quyết định mua hàng của họ, các công ty cần phải suy nghĩ về việc cung cấp những sản phẩm phù hợp với ưu tiêu của người tiêu dùng, đơn giản hóa việc mua sắm đa kênh và nâng cao trải nghiệm mua sắm trong thực tế mới”, đại diện Nielsen nhận xét.
Ngoài ra, một sự dịch chuyển khác nữa của người tiêu dùng mà Nielsen dự đoán sẽ định hình lại thị trường ngành hàng tiêu dùng nhanh là lối sống tại nhà gia tăng. Thói quen “tự làm mọi việc” và nhu cầu trải nghiệm thương hiệu tại nhà vẫn tồn tại ngay cả khi kết thúc hạn chế xã hội và các cửa hàng mở cửa lại tại nhiều thị trường Đông Nam Á.
Tại Việt Nam, 82% người tiêu dùng cho biết sẽ giảm tiêu thụ bên ngoài, dẫn đến doanh thu tăng cao của các ngành hàng như sợi ăn liền (+14.1%), xúc xích tiệt trùng (+17.9%), thực phẩm chế biến món ăn (+7.4%) và mayonnaise (+31%).
Thy Lê